Sốc sau cổ phần hóa?

Sau rất nhiều bức xúc của nghệ sĩ thuộc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), ngày 19-9, đại diện Hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược là Công ty Vận tải đường thủy đã có buổi đối thoại trực tiếp ngay tại hãng. 
Tại buổi đối thoại, các nghệ sĩ của VFS đưa ra nhiều thắc mắc xung quanh việc tại sao không trả lương đầy đủ như cam kết, việc chuyển kho đạo cụ và dồn các phòng ban lại có nhằm mục đích cho thuê mặt bằng không và nhiều thắc mắc khác có liên quan tới công việc, tới tương lai của việc làm phim?
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Vận tải đường thủy, nhà đầu tư chiến lược của Công ty cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam, nhấn mạnh có làm có hưởng, không làm không hưởng.
“Tôi chưa hề cắt lương các đồng chí. Tôi trả lương cho các đồng chí đúng như trước khi cổ phần hóa. Khi tư nhân cổ phần hóa chúng tôi phải công bằng. Có những người 3 năm không đến cơ quan mà vẫn lĩnh lương, đóng bảo hiểm bình thường, thì các đồng chí suy nghĩ gì?” - ông Thủy Nguyên nói và cho biết phía công ty vẫn đang nghiên cứu kịch bản để làm phim, nhưng không thể bỏ tiền tỷ để làm phim chỉ có vài người xem, công ty sẽ không trả lương nếu người lao động 2 - 3 năm không đến cơ quan, hoặc đến mà không làm gì… 
Cái lý “không làm thì không trả lương” thoạt nghe có vẻ rất đúng, nhưng điều mà người lãnh đạo hãng phim không đả động đến hoặc cố tình không hiểu rằng làm nghệ thuật không giống như sản xuất một món hàng hóa đơn thuần, cứ làm là sẽ có kết quả ngay, mà để có một kịch bản tốt, một bộ phim hay các đạo diễn, nhà biên kịch phải mất thời gian nhiều tháng, thậm chí nhiều năm thai nghén.
Và vậy là trong khi các nghệ sĩ tiếp tục trăn trở băn khoăn về tình trạng tiếp tục không có việc làm, việc hãng phim liệu có còn là nơi để làm phim nữa hay chuyển sang kinh doanh các nghành nghề khác thì mối quan tâm của nhà đầu tư chiến lược - của người làm kinh doanh đơn giản vẫn chỉ là tiền.
Có thể nói đây là một buổi đối thoại không thành công của lãnh đạo hãng phim với các nghệ sĩ bởi lẽ không một sự thông cảm, thấu hiểu, không một quy chế hay nguyên tắc làm việc nào được đưa ra mà vẫn hoàn toàn dựa trên những ý chí của người được coi là đang nắm giữ quyền lãnh đạo của hãng.
Với các nghệ sĩ là biên kịch, đạo diễn, quay phim… những người đã nhiều năm làm việc trong cơ chế bao cấp, thực hiện phim đặt hàng, tức là đợi việc để làm, thì việc buộc họ ngay lập tức phải đối mặt với cách tự bươn chải đã khiến nhiều người bị “sốc”. Song điều khiến họ lo lắng hơn cả cũng không đơn thuần là chuyện được trả lương bao nhiêu mà là họ có tiếp tục được làm phim hay việc cổ phần chỉ đẩy nhanh hơn nữa quá trình tụt dốc thê thảm của hãng như thời điểm còn bao cấp trước đây.
Một bên là nhà đầu tư tuyên bố sẽ xoay xở tìm mọi cách để thu lợi, kể cả đi viết kịch bản thuê, đi quay phim cho xã cho huyện… thì chính các nghệ sĩ lại băn khoăn bởi những giải pháp mang tính tình thế, thiếu định hướng, không đem lại niềm tin về một tương lai ổn định.
Nhất là khi ông Nguyễn Thủy Nguyên, không ngần ngại khi tuyên bố rằng: “Hôm nay điện ảnh có thể là chiến lược nhưng ngày mai điện ảnh chỉ có thể là thứ yếu. Không ai có thể nói trước được…”.
Mối xung đột sau cổ phần hóa ở đơn vị nghệ thuật này sẽ khó có thể giải quyết ổn thỏa trong một sớm một chiều. Song một lần nữa, dư luận lại dấy lên câu hỏi, vai trò của Bộ VH-TT-DL, đơn vị đại diện cho Nhà nước có 20% vốn trong công ty cổ phần này - đồng thời là đơn vị chủ quản cũ của Hãng phim truyện Việt Nam ở đâu khi trong chính thời điểm cần tiếng nói dung hòa nhất lại không hề thấy họ lên tiếng. Và vì thế câu hỏi hãng phim tương lai có còn làm phim nữa không vẫn đang bỏ ngỏ.

Tin cùng chuyên mục