Sôi động “chợ online”

Dồn dập nghe điện thoại, ghi chú các đơn hàng và địa chỉ khách yêu cầu giao, trong khi tin nhắn chờ trên Facebook, Zalo càng lúc càng “dày thêm”... Đó là thực tế công việc hàng ngày của nhiều nhân viên cửa hàng trực tuyến trên địa bàn TPHCM. Bởi thời điểm này không ít người tiêu dùng ngại đi mua sắm do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19). 
Nhận hàng từ “chợ online”. Ảnh: CAO THĂNG
Nhận hàng từ “chợ online”. Ảnh: CAO THĂNG

Ồ ạt đơn hàng

“Lấy cho mình 2 chai nước rửa tay sát khuẩn nhập từ Australia, một lọ thực phẩm chức năng Sambucol nhập từ Anh. Tổng đơn hàng 950.000 đồng. Mai giao liền nha”, một người gọi cho facebook Tinna Linh (TPHCM) đặt hàng. Theo chị Linh, hơn một tuần nay, số lượng đơn đặt hàng đổ về khá nhiều, tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Chủ yếu khách mua nước rửa tay, xịt phòng diệt khuẩn, thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng cho người lớn và trẻ em để phòng chống dịch bệnh. “Toàn những mặt hàng trước đây khách ít quan tâm, thì nay yêu cầu ồ ạt. Hàng nhập về không đủ bán cho khách”, chị Linh cho biết. 

Còn chị Lê Hạ Viên (sáng lập fanpage Chợ dâu của Viên) chia sẻ, các đơn hàng rau quả tươi như dâu tây, bơ, khoai lang, măng tây… luôn “cháy” hàng. Các đơn hàng tăng khoảng 20% - 30% so với ngày bình thường. Mỗi ngày khách đặt 20 - 30 đơn hàng, có mức giá 250.000 - 300.000 đồng/đơn hàng. “Đặc thù rau bên mình là chiều cắt hái, sáng bán sớm và giao trong ngày nên chỉ giới hạn 20 đơn/ngày nhằm đảm bảo chất lượng. Đợt này tăng thêm 10 đơn nữa, do có khách mới. Nhiều ngày số lượng đơn hàng tăng vọt, không đủ hàng cung ứng nên mình phải từ chối khách”, chị Viên cho hay.

Hàng loạt tài khoản Zalo, Facebook cũng đẩy mạnh việc kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn với giá phải chăng do tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, trả lương nhân viên. “Nay nhà em có sẵn khoai lang mật Đà Lạt, size 2 - 3 củ/kg, giá 90.000 đồng 3kg, ăn bao ngon nha mọi người”, facebook Phương Thảo (nhóm Chợ Võ Đình thuộc chung cư Võ Đình, quận 12) rao hàng. Một chủ facebook khác góp thêm: “Sáng nay nhà em có bún mọc, bánh canh sườn - bò viên, giá 28.000 đồng/phần; canh măng chua cá lăng, canh cua mồng tơi có giá 100.000 - 200.000 đồng/phần cho 2 người ăn. Mọi người ủng hộ em ạ”. Anh Nguyễn Minh Phương, chủ quán ăn chuyên về bún bò, hủ tiếu tại chung cư Hưng Ngân (quận 12) tâm sự, từ lúc chủ cũ lấy lại mặt bằng, gia đình anh chuyển hẳn lên nấu nướng tại chính căn hộ của mình. Khách hàng quen chỉ việc gọi đặt món, bên anh Phương sẽ giao tận nhà. 

Thời của “chợ online” 

Chị Trần Gia Thuận, chủ một cửa hàng kinh doanh sản phẩm sơn ở quận 12 (TPHCM), chia sẻ hơn một tháng nay, tình hình kinh doanh khá ế ẩm do dịch bệnh. Xung quanh nhà chị, một số hàng quán đóng cửa, trả mặt bằng vì vắng khách. Bạn bè của chị có người chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang bán trực tuyến để vớt vát lại doanh thu. Chị Phương Mai (ngụ tại quận Bình Thạnh), chuyên giao thức ăn nhanh cho khách, thông tin, hơn một tuần qua, lượng khách đặt đồ ăn trưa, chiều tăng mạnh khiến chị và đồng nghiệp chạy xe giao hàng muốn “đứt hơi”. 

Ngạc nhiên hơn, hiện nay trên thị trường có cả dịch vụ giao trang sức đắt tiền (vàng, bạc các loại) tận nhà cho khách. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sẵn sàng giao các đơn hàng trang sức đủ loại có giá dưới 20 triệu đồng bằng hình thức ship COD (giao hàng trả tiền mặt). Riêng các món hàng có giá trên 20 triệu đồng, khách sẽ được giao hàng tận nhà với điều kiện đặt cọc trước. Thời gian gần đây, do lo ngại Covid-19, rất nhiều người tiêu dùng chuyển qua đi chợ trực tuyến. Các trang mạng Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Amazon… doanh số tăng vọt. Vài ngày gần đây, do lượng khách đặt hàng khá lớn, xảy ra quá tải tại một số website, khách đăng ký vào bị trượt ra. Phải cố gắng kiên trì thao tác, đăng nhập lại, khách mới đặt được hàng. 

Bên cạnh đó, sự chuyển hướng tích cực của các trung tâm thương mại, siêu thị (Co.opmart, BigC…) bằng phương thức đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà cũng đã thu hút được những đơn hàng khá lớn. Chẳng hạn, tại hệ thống BigC miền Nam, lượng khách đặt mua trực tuyến tăng lên 90 đơn hàng/ngày (1.800 đơn hàng trong 20 ngày từ đầu tháng 2-2020 đến nay). Hệ thống Co.opmart cũng cho biết, tỷ lệ bán hàng qua kênh mua sắm trực tuyến tăng hơn nhiều so với trước khi có dịch Covid-19. 

Tiết kiệm thời gian, tránh đến chỗ đông người… chính là những ưu điểm nổi bật của việc mua hàng trực tuyến hiện nay. Xu hướng này ngày càng phổ biến, được nhiều bộ, ngành khuyến khích trong bối cảnh người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt. Tuy vậy, Bộ Công thương cũng đưa ra khuyến cáo khách mua hàng nên thận trọng khi chọn lựa sản phẩm, để tránh rủi ro không đáng có. Nhất là khi mới đây Bộ Công thương đã phát hiện hàng loạt sản phẩm dỏm, kém chất lượng phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được rao bán tràn lan trên chính các trang thương mại điện tử có thương hiệu.

Tin cùng chuyên mục