Sôi động không khí sáng tác cho thiếu nhi

Với những điều kiện, cơ hội đã và đang có, thời gian gần đây, cánh cửa dành cho văn học thiếu nhi trong nước thực sự mở rộng. Nhiều tác giả các độ tuổi lần lượt cho ra mắt tác phẩm ấn tượng dành cho các em. 
Nhà văn Trần Tùng Chinh giao lưu nhân dịp ra mắt tác phẩm Ba trái tim của bé Bạch Tuộc tại Hội sách An Giang mới đây
Nhà văn Trần Tùng Chinh giao lưu nhân dịp ra mắt tác phẩm Ba trái tim của bé Bạch Tuộc tại Hội sách An Giang mới đây

Lực lượng tác giả hùng hậu

Trở về từ chiến trường K, nhà văn Trung Sỹ được biết đến với các tác phẩm dành cho người lớn, như: Chuyện lính Tây Nam, Hà Nội mũ rơm và tem phiếu, Đội trinh sát và con chó Sara. Vừa qua, nhà văn bất ngờ chuyển sang viết cho thiếu nhi với truyện dài Thung lũng Đồng Vang. Nhiều cây bút vốn thành danh ở những mảng đề tài gai góc, nay cũng bước chân vào lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi như nhà văn Nguyễn Trí với Chuyến du hành xanh biếc, nhà văn Tống Ngọc Hân với Mẹ ơi con muốn bay, Nguyễn Hồng Chiến với Chuồn chuồn ớt tìm mẹ.

Bên cạnh thế hệ nhà văn tạm gọi là “có tuổi”, nhiều tác giả trẻ cũng nhập cuộc, như Phương Trinh với Ngôi nhà tiếng cười, Dương Hằng với Ngọn đồi biết hát, Hữu Vi với Những giấc mơ rừng, Phan Đức Lộc với Tôi sẽ bay, Cao Văn Quyền với Lỗi tại cái đuôi diều, Võ Thu Hương với Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào… Sau các tập thơ thiếu nhi gây được ấn tượng, tác giả Phạm Anh Xuân cũngvừa chuyển hướng sang thể loại văn xuôi với truyện dài thiếu nhi Nghé ọ hai xoáy. 

Hơn 20 năm trước, nhà văn Trần Tùng Chinh là tác giả quen thuộc của những độc giả tuổi teen và những người trẻ. Gần đây, anh cũng chuyển sang viết cho thiếu nhi và bước đầu có những tác phẩm được chú ý như bộ truyện 4 tập Ba kể con nghe, Anh em hô biến. Vừa qua, anh ra mắt thêm tập truyện đồng thoại Ba trái tim của bé Bạch Tuộc. Từ sự quan sát của mình, nhà văn Trần Tùng Chinh cho rằng, hiện nay văn học thiếu nhi đã được quan tâm hơn, cụ thể là các cuộc vận động sáng tác, các giải thưởng, các NXB cũng đang ưu tiên cho văn học thiếu nhi. Các nhà văn, trong đó nhiều người nổi tiếng không phải sở trường về văn học thiếu nhi cũng bắt đầu viết cho thiếu nhi. 

“Tình hình đang có nhiều khởi sắc, có tác phẩm văn học thiếu nhi nhận được nhiều giải thưởng lớn, trở thành nguồn cảm hứng và tạo động lực cho các tác giả. Các nhà văn giờ đây đã quan tâm nhiều hơn việc viết tác phẩm cho thiếu nhi đọc, tuy nhiên vẫn thiếu những tác phẩm có tầm vóc, thu hút dư luận xã hội, tạo hiệu ứng tích cực về nhiều mặt”, nhà văn Trần Tùng Chinh chia sẻ. 

Không nên giới hạn đề tài

Với người sáng tác (đặc biệt là sáng tác cho thiếu nhi), việc được trao cơ hội và tạo điều kiện có ý nghĩa khích lệ rất lớn. Và thực tế, thời gian qua, văn học thiếu nhi đã được tiếp sức thông qua những cơ hội cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành và các đơn vị. Điển hình như giải Sách Quốc gia hàng năm vẫn có giải dành cho các tác phẩm văn học thiếu nhi. Bên cạnh đó, còn có các giải khác như: Giải thưởng Dế Mèn (do Báo Thể thao và Văn hóa sáng lập từ năm 2020), hay cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đang diễn ra, kéo dài đến năm 2025. 

Được xem là cái nôi nuôi dưỡng đam mê và tình yêu dành cho văn học thiếu nhi của nhiều tác giả thành danh lẫn mới bắt đầu, nhiều năm qua, NXB Kim Đồng đều đặn xuất bản tác phẩm của các tác giả trong nước. Đặc biệt, số lượng mảng sách này đang có sự vượt trội. Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, sách văn học thiếu nhi hiện được NXB Kim Đồng quan tâm và đầu tư nhất trong các mảng sách. “Gần đây, nếu mọi người để ý sẽ thấy, bên cạnh việc khuyến khích tìm kiếm những tác giả mới thì các tác phẩm văn học thiếu nhi của Kim Đồng cũng được đầu tư rất mạnh về mặt hình thức. Sách giờ không chỉ đơn thuần là chữ mà còn được minh họa đẹp, đưa thêm hình ảnh để phần nào gần hơn với bạn đọc nhỏ tuổi”, bà Quỳnh Liên cho biết. 

Có một thực tế là nhu cầu đọc của thiếu nhi hiện đã cao hơn trước, nhiều em đã tiếp cận với văn học của người lớn, và văn học thiếu nhi hiện giờ cũng có trend (xu hướng) rất nhanh và hay thay đổi. Trong các tác phẩm văn học thiếu nhi của nước ngoài, họ đã đề cập đến vấn đề khởi nghiệp, vấn đề di cư giữa các đất nước, vấn đề sắc tộc.

“Rõ ràng, những vấn đề này thì văn học thiếu nhi trong nước chưa chạm đến được. Chúng ta không nên giới hạn đề tài trường lớp, gia đình mà cần mở rộng sang các vấn đề mà xã hội quan tâm như vấn đề sinh thái, chữa lành tâm hồn, hoặc cả những vấn đề lạ nhưng gần gũi như cách các bạn nhỏ đối mặt với người thân mắc các căn bệnh của tuổi già như Alzheimer chẳng hạn…”, bà Quỳnh Liên nói thêm.

“Thị trường vẫn còn thiếu những đề tài mới như giả tưởng, kỳ ảo, khoa học viễn tưởng… Và lứa tuổi mà các tác giả đang hướng tới vẫn tập trung ở lứa tuổi tiểu học, còn với lứa độc giả lớn hơn một chút như trung học, tuổi dậy thì… hiện hầu như không có mấy tác phẩm”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết. 

Tin cùng chuyên mục