Soi gương Bác, lòng sáng hơn

70 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, người Việt Nam hôm nay vẫn lấy tấm gương trí dũng của người đi trước làm nền tảng để phấn đấu cho tương lai tươi đẹp. Trong đó ý nghĩa lịch sử cũng như bài học Cách mạng Tháng Tám đặt ra vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, bài học sâu sắc nhất chính là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám mà bắt nguồn là sự sáng tạo - sáng tạo độc đáo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức lực lượng nhân dân.

70 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, người Việt Nam hôm nay vẫn lấy tấm gương trí dũng của người đi trước làm nền tảng để phấn đấu cho tương lai tươi đẹp. Trong đó ý nghĩa lịch sử cũng như bài học Cách mạng Tháng Tám đặt ra vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, bài học sâu sắc nhất chính là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám mà bắt nguồn là sự sáng tạo - sáng tạo độc đáo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức lực lượng nhân dân.

Lúc đó Đảng mới 15 tuổi, mới có 5.000 đảng viên. Để tập hợp được sức mạnh ấy, Đảng và Bác Hồ đã rất quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động, làm cho nhân dân hiểu rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chính quyền phải là chính quyền của nhân dân, chính quyền phải về tay nhân dân. Vì vậy mà toàn dân đã đồng lòng đoàn kết để tiến hành cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vĩ đại.

Những ngày này, trong thời điểm mà cả nước đang sống trong ký ức kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, có lẽ chúng ta không chỉ để nhớ về quá khứ mà đều đau đáu suy nghĩ làm thế nào phát huy bài học đại đoàn kết trong giai đoạn còn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Khối đại đoàn kết toàn dân phải được tổ chức rộng rãi hơn và sâu sắc hơn để làm nhiệm vụ khó khăn hơn. Đó là giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền và xây dựng một chính quyền vì nhân dân, của nhân dân, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh lại càng khó hơn.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta rất khó khăn, phức tạp. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, nền kinh tế của chúng ta vẫn còn thấp kém so với nhiều nước cho nên việc phát huy nguồn lực của nhân dân ở trong tất cả các lĩnh vực đều là cần thiết. Phải huy động và ủng hộ sự sáng tạo của mọi cá nhân. Để xây dựng, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách, trong đó chính sách kinh tế được xem là quan trọng nhất. Những chính sách phát triển của chúng ta được đánh giá là ngày càng hoàn thiện. Nhưng muốn phát huy mọi lực lượng tham gia công cuộc xây dựng đất nước chỉ có chính sách tốt thôi thì chưa đủ, chắc chắn phải có bộ máy, lực lượng thực thi chính sách có tâm, có tầm, thuyết phục được nhân dân, tạo dựng được lòng tin của nhân dân, khiến nhân dân tin tưởng, đồng lòng và ủng hộ.

Để nhân dân tin tưởng, đồng lòng và ủng hộ, chắc chắn mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng “sửa mình”. Chúng ta nhớ rõ Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06 - CT/TƯ về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân từ ngày 3-2-2007. Mục đích của cuộc vận động là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội. Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị 03-CT/TƯ về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Như vậy, đến nay, cuộc vận động đã triển khai được gần 10 năm với 2 chỉ thị của Bộ Chính trị. Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác sẽ không còn là việc chỉ đơn thuần học Bác trong những dịp lễ hội như kỷ niệm sinh nhật Bác, kỷ niệm Quốc khánh. Mà học Bác phải trở thành yếu tố tự giác, thúc đẩy nội tâm bên trong của mỗi một con người, tránh những chuyện phù phiếm, hình thức, lãng phí, hướng tới sự thiết thực, nhất là việc làm theo Bác. Học tập và làm theo Bác là học đạo đức cách mạng trong sáng của Bác, tấm gương cao cả của Bác trong suốt cuộc đời đã vì nước, vì dân, không màng lợi ích cá nhân.

Trong bối cảnh hiện nay, để lấy lại niềm tin của người dân đối với Đảng đã bị giảm sút chỉ vì bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất… việc học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trong đó, công tác phòng chống tham nhũng, tham ô, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhũng nhiễu người dân cần phải được thực hiện quyết liệt hơn. Chỉ khi đẩy lùi được vấn nạn tham nhũng, dân mới tin Đảng, tin chế độ, uy tín của Đảng mới được nâng cao. Cùng với đó cán bộ, đảng viên phải gần dân, lắng nghe dân, thấu hiểu cuộc sống của người dân, đưa ra những chính sách, quyết sách hợp với lòng dân. Có lắng nghe mới hấp thu được những mong muốn, nguyện vọng của bà con, đặc biệt là những sáng kiến của người dân trong quá trình xây dựng đất nước.

Đất nước sau 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, sau 30 năm đổi mới, dân chủ đã từng bước được mở rộng, từng bước làm cho người dân thấy rằng chính mình là người làm chủ thực sự, từ đó nhân dân đồng lòng chung sức, sức mạnh đại đoàn kết được nhân lên. Một sự thật không thể thay thế, là đại đoàn kết vẫn là sức mạnh to lớn nhất để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Nghĩ về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và học tập theo tấm gương của Người, mỗi một chúng ta đều nên tự nhủ hãy học Bác từ những điều bình dị nhất, để có thể từng ngày hướng tới việc hoàn thiện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục