Sớm có Chiến lược tài nguyên khoáng sản Việt Nam

LTS: Trong kỳ họp Quốc hội lần này, QH sẽ thảo luận về dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi. Cùng trong thời gian này, Báo SGGP đã có loạt bài viết phản ánh về tình trạng chảy máu khoáng sản. Bên hành lang QH, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu xung quanh vấn đề này.

  • Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TN - MT: Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản

Trong năm 2010, Bộ TN-MT đã tổ chức thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra diện rộng về hoạt động khoáng sản. Trong thời gian qua, một số hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra như khai thác than ở Quảng Ninh; khai thác vàng ở Phú Yên, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam; khai thác bauxite ở Lạng Sơn, Cao Bằng; khai thác diatomit ở Phú Yên và khai thác cát sỏi lòng sông ở Vĩnh Phúc, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Hoạt động khai thác trái phép làm thất thoát tài nguyên, mất an ninh trật tự, tàn phá đất đai, rừng, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động, gây bức xúc cho cả xã hội.

Cùng với việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, đối với một số điểm khai thác khoáng sản trái phép kéo dài, Bộ TN-MT phối hợp với địa phương, các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng để có giải pháp ổn định. Đối với một số điểm khoáng sản có quy mô nhỏ đã báo cáo Thủ tướng giao cho địa phương quản lý, cấp phép cho đơn vị có năng lực; đối với điểm có tiềm năng giao cho đơn vị thăm dò, khai thác công nghiệp. Các biện pháp nêu trên bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn và giảm hoạt động khai thác trái phép vàng ở Thái Nguyên, Bắc Kạn, vonfram ở Kon Tum…

Nếu Luật Khoáng sản được QH thông qua tại kỳ họp này, bộ sẽ xúc tiến nhanh việc xây dựng Chiến lược tài nguyên khoáng sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này sẽ đưa ra định hướng cụ thể để tăng cường công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; đổi mới cơ chế quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, tài chính để tăng thu cho ngân sách nhà nước; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo đảm khoáng sản phải được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu khoáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trước mắt và lâu dài.

  • Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH - CN - MT của QH: Cần kiểm tra chặt việc thi hành luật

Về dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi trình QH lần này, theo tôi, vẫn còn một số vấn đề về phạm vi bao quát, cũng như mức độ cụ thể. Đơn cử như quản lý khoáng sản sau khi khai thác; chính sách xuất khẩu khoáng sản... Rồi đây ta phải nhập than để sản xuất điện, với giá chắc chắn sẽ đắt gấp nhiều lần giá than ta đang bán đi; thế nhưng ngành than vẫn đẩy mạnh khai thác, xuất khẩu. Làm thế nào để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, đẩy mạnh công nghiệp chế biến khoáng sản trong nước để nâng cao giá trị gia tăng... cũng chưa thấy có chính sách cụ thể. Có một tình trạng đáng lưu ý nữa là một số vấn đề lẽ ra đưa vào luật này thì lại chờ luật kia quy định. Rút cuộc chúng đã không được quy định rành mạch trong luật nào!

Vì thế, cần phải chú trọng xây dựng đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành luật và đảm bảo tính thống nhất của các văn bản này. Bên cạnh đó, cần siết chặt quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát; làm sao để hài hòa lợi ích nhiều bên (nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân trong khu vực và dĩ nhiên, cả lợi ích của doanh nghiệp nữa). Nếu dự án nào cũng thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường như đã lập, có lẽ chẳng có chuyện gì. Nhưng nếu người ta không lập báo cáo ấy, hoặc có lập nhưng không thực hiện mà vẫn tồn tại được thì đó mới là vấn đề của nhà quản lý.

Anh Thư thực hiện

Tin cùng chuyên mục