Sớm đưa các quy định mới của pháp luật đi vào cuộc sống

Chiều 29-11, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau hơn 1 tháng làm việc tích cực, tâm huyết, đoàn kết và đầy trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp.
Sớm đưa các quy định mới của pháp luật đi vào cuộc sống

Chiều 29-11, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau hơn 1 tháng làm việc tích cực, tâm huyết, đoàn kết và đầy trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp.

>> Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

        Hiến pháp sửa đổi thể hiện ý Đảng, lòng dân

Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung khác về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Quốc hội đã chấp nhận tăng bội chi ngân sách, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, có nhiều giải pháp quyết liệt để cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi và tạo đà tăng trưởng cho những năm sau, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là nền tảng chính trị - pháp lý của đất nước. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành và như vậy, cả hệ thống chính trị đã đồng thuận cùng toàn dân tham gia hoàn thiện bản Hiến pháp này. Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng, yêu cầu mọi tổ chức Đảng và từng đảng viên phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... “Có thể nói, đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

        Nhất quán đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN

Cùng với việc thông qua Hiến pháp, tại kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc ban hành các đạo luật, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó có việc xem xét, bầu bổ sung một số chức danh các cơ quan của Quốc hội, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

“Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao trước nhân dân và với những đóng góp tích cực, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng đồng bào và cử tri cả nước” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định và yêu cầu sau kỳ họp này, Chính phủ, các ngành, các cấp cần khẩn trương tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để pháp luật sớm đi vào cuộc sống. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu trong giờ giải lao phiên bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: LÃ ANH

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu trong giờ giải lao phiên bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: LÃ ANH

Chiều 29-11, ngay sau khi kỳ họp Quốc hội bế mạc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về kỳ họp. Những câu hỏi của báo giới xoay quanh vấn đề thu hồi đất đai, Hiến pháp (sửa đổi)... Trả lời câu hỏi nên hiểu thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế xã hội được quy định trong Luật Đất đai sửa đổi là mở rộng hay thu hẹp so với Luật Đất đai hiện hành, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết thu hồi đất vẫn do 3 cấp thẩm quyền quyết định là Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, và HĐND. “Vấn đề thu hồi đất sau này sẽ rất chặt chẽ, sẽ khắc phục được tình trạng như vừa qua vì yêu cầu phục vụ phát triển đã nảy sinh rất nhiều vấn đề, khiếu kiện lớn” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.

Nói thêm về thu hồi đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, giới hạn phạm vi thu hồi đất trong Điều 54 Hiến pháp (sửa đổi) chỉnh lý hợp lý hơn so với dự thảo trước đó, với tinh thần thu hồi đất rất chặt chẽ, tránh lạm dụng tùy tiện dẫn đến phức tạp như vừa qua. Thu hồi đất sẽ được công khai thông tin bồi thường theo quy định của pháp luật, chỉ thu hồi trong trường hợp rất cần thiết. Riêng về Hiến pháp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tái khẳng định tại cuộc họp báo, đây là văn kiện chính trị pháp lý rất quan trọng, trong đó chương kinh tế thể hiện rất rõ, rất nhất quán đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

“Rất rõ ràng, tất cả các thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật. Các chủ thể kinh tế, hình thức sở hữu, kể cả sở hữu tư nhân đều được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Chúng ta tuyên bố không quốc hữu hóa, trường hợp cần thiết phải trưng mua trưng dụng, bồi thường theo giá thị trường. Ngoài ra, chúng ta thể hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ hòa bình hữu nghị, hội nhập với cả thế giới, làm bạn với tất cả các nước” - ông Uông Chu Lưu nói.

LÂM NGUYÊN

 


Quốc hội yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao y đức

Trước phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua một số nghị quyết quan trọng với tỷ lệ nhất trí cao.

        Giảm 50% tình trạng quá tải bệnh viện

Tại Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới BHYT toàn dân, Quốc hội giao Chính phủ bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT (đến cuối năm 2012, đã có gần 70% dân số tham gia BHYT). Đến năm 2020 hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB) sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB. Trước năm 2018 hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội, thực hiện các biện pháp để đảm bảo thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương, triển khai mở rộng mô hình bác sĩ gia đình tham gia KCB BHYT, cải tiến quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật. Cùng với đó, Quốc hội yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng KCB; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về KCB và BHYT...

        Rà soát hệ thống hồ đập thủy lợi

Tại Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, đối với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Quốc hội yêu cầu từ nay đến năm 2015, huy động mọi nguồn lực để phục hồi tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Trong năm 2014, hoàn thành việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp; tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quốc hội cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT rà soát toàn bộ hệ thống hồ, đập thủy lợi để có kế hoạch đầu tư, gia cố, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, báo cáo kết quả thực hiện rà soát với Quốc hội vào cuối năm 2014.

Đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quốc hội yêu cầu từ nay đến hết năm 2014, hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách về tiền lương, phụ cấp công vụ, cử tuyển đối với cán bộ, công chức cơ sở, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, người nghỉ hưu...

 
 

Đến năm 2020: Thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh

Tại Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, Quốc hội điều chỉnh tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183km, trong đó tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km. Phân kỳ đầu tư gồm: đến năm 2020, hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe; sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành thực hiện việc phân kỳ đầu tư một cách khoa học, khả thi; tập trung chỉ đạo hoàn thành đồng bộ các dự án thành phần qua Tây Nguyên (QL14 cũ) và các dự án thành phần thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mekong với đường Hồ Chí Minh. Khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc giới theo quy hoạch để bàn giao cho các địa phương quản lý trước năm 2015...

 
 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục