(SGGP).- Ngày 10-5 tại Hội nghị về thực thi điều cấm trong Luật Bảo vệ môi trường được tổ chức tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở TN-MT TPHCM cho biết, hiện mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm môi trường rất cao, tối đa có thể lên đến 500 triệu đồng/hành vi.
Thế nhưng trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm không chịu nộp phạt thì biện pháp cưỡng chế như thế nào lại chưa được làm rõ. Còn rút giấy phép đầu tư kinh doanh thì vướng Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, những quy định kiểm tra, xử phạt đối với doanh nghiệp sản xuất lại quá nhiều. Nhiều doanh nghiệp đã rất bức xúc khi có quá nhiều lực lượng thanh tra môi trường thường xuyên kiểm tra. Cụ thể lực lượng thanh tra môi trường thuộc Bộ Công an, Bộ TN-MT, công an các địa phương, Sở TN-MT địa phương, Phòng TN-MT quận huyện, phường xã, thậm chí thanh tra thuộc Ban quản lý KCX-KCN… Lực lượng nào cũng có chức năng thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất… gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Để hiệu quả của việc xử lý phát huy tác dụng, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ TN-MT cần sớm hoàn thiện các quy định về biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt. Ông Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Quy hoạch Quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường khẳng định, sẽ sớm trình Chính phủ hoàn thiện cũng như khắc phục tình trạng vừa thiếu vừa thừa trong quản lý lĩnh vực môi trường hiện nay. Mặt khác, Tổng cục Môi trường đang xây dựng quy chế đưa giá thành xử lý chất thải nguy hại vào giá thành sản phẩm. Theo đó, sẽ có biện pháp buộc DN sản xuất hàng hóa, nhất là những sản phẩm sẽ trở thành chất thải nguy hại sau khi sử dụng (bóng đèn, pin, ắc quy, túi ni lông…) phải được thu hồi và tái chế, tái sử dụng sản phẩm.
M.Xuân