“Sống đẹp” ở tuổi 80

Đầu năm 2016, tại TPHCM, Ủy ban Giải thưởng Kova quốc gia đã tổ chức trao giải lần thứ 13 cho các hạng mục: “Kiến tạo”, “Sống đẹp”, “Nghị lực” và “Triển vọng”. Trong số 4 cá nhân nhận giải “Sống đẹp” có bà Đào Thị Biểu (thường gọi cô Sáu), Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long. Cô Sáu nguyên là đại biểu Quốc hội khóa VII và VIII thuộc đoàn đại biểu tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh).
“Sống đẹp” ở tuổi 80

Đầu năm 2016, tại TPHCM, Ủy ban Giải thưởng Kova quốc gia đã tổ chức trao giải lần thứ 13 cho các hạng mục: “Kiến tạo”, “Sống đẹp”, “Nghị lực” và “Triển vọng”. Trong số 4 cá nhân nhận giải “Sống đẹp” có bà Đào Thị Biểu (thường gọi cô Sáu), Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long. Cô Sáu nguyên là đại biểu Quốc hội khóa VII và VIII thuộc đoàn đại biểu tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh).

Cách mạng giúp thay đổi số phận

Cô Sáu sinh năm 1937 tại xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (cũ). Năm 1952, cô tham gia Đội Thiếu nhi cứu quốc xã Hòa Hưng thuộc huyện Ô Môn B (nay thuộc huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang). Sau đó chuyển sang Hội Phụ nữ xã Hòa Hưng. Kháng chiến chống Pháp thành công, cô Sáu được tổ chức điều chuyển về làm Trưởng ban Phụ vận xã Thới Lai (Ô Môn) hoạt động hợp pháp, đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh cho nhân dân.

Khi phong trào Đồng Khởi nổi dậy khắp nơi, cô Sáu giữ chức Bí thư Chi bộ xã Trường Long, Huyện ủy viên huyện Ô Môn, Trưởng ban đấu tranh chính trị hợp pháp trực diện tỉnh Cần Thơ. “Có lần chúng tôi kéo về dinh Tỉnh trưởng Cần Thơ biểu tình và bị địch đàn áp. Chúng viết khẩu hiệu “Đả đảo Việt Cộng” lên nón thì chị em mình tháo nón quăng đi. Chúng lại viết lên áo thì chị em lột áo. Tôi nhớ chị Sáu Phỉ ở Hội Phụ nữ xã Trường Lạc cởi hết áo ngoài chỉ còn áo lót”, cô Sáu xúc động nói.

Năm 1971, tổ chức phân công cô làm Ủy viên Ban Binh vận tỉnh, sau đó là Ủy viên Thường vụ, Bí thư Thị ủy thị xã Vĩnh Long cho đến ngày toàn thắng. Sau ngày đất nước thống nhất, cô về làm Chủ tịch Công đoàn tỉnh Cửu Long, Trưởng ban Dân vận tỉnh… Tháng 4-1981, cô Sáu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VII, nhiệm kỳ 1981-1987. “Tại kỳ họp thứ 10 năm 1985, tôi đã phát biểu đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của Chính phủ khi triển khai quyết sách giá - lương - tiền với nhiều bất cập, có thể nói là gây chấn động diễn đàn Quốc hội đêm trước đổi mới. Sau này, nhiều đại biểu gặp tôi còn nhắc lại chuyện đó”, cô Sáu kể.

Bầu đại biểu Quốc hội khóa VIII, cô Sáu lại trúng cử và giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long cho đến năm 1997 cô mới nghỉ hưu. Gần 45 năm tham gia cách mạng, trải qua nhiều vị trí khác nhau, cô Sáu đút kết: “Gia đình tôi thuộc thành phần bần cố nông nên không được học hành tử tế, suốt đời làm mướn cho địa chủ. Nhờ có Đảng, có cách mạng đã thay đổi cuộc đời tôi, được tín nhiệm giao giữ một số vị trí trong xã hội. Nói thiệt, hồi xưa có nằm mơ cũng không thấy. Điều đáng tiếc là 5 anh em cả bên vợ lẫn bên chồng đều hy sinh!”.

Hết lòng vì người nghèo

Cô Sáu kể, trong những năm chiến tranh, nhân dân đã đùm bọc, che chở, nuôi nấng nên còn sống đến hôm nay, nhưng vì thời gian công tác liên tục nên ít được gần dân. Và bây giờ là thời điểm cô phải trả nợ dân, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, dù sức khỏe không tốt lắm. Vậy là năm 2004, cô tham gia Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long và được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực. Đến năm 2011, tỉnh thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trên cơ sở sáp nhập hai hội từ thiện trước đó. “Ban đầu, hội không có người chuyên trách mà phải kiêm nhiệm, vì vậy, mọi người gọi vui là “Hội bốn không” (không cấp trên, không cấp dưới, không trụ sở riêng, không kinh phí). Lúc đó tôi lấy lương hưu làm chi phí đi lại vận động những người có lòng nhân ái, hảo tâm tự nguyện đóng góp công sức, tiền của giúp đỡ người nghèo vượt qua bệnh tật”, cô Sáu chia sẻ.

Cô Sáu thăm và tặng gạo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo dân tộc Khmer

Chương trình đầu tiên được thực hiện là phẫu thuật tim cho người nghèo, nhất là trẻ em, nhưng với chi phí mỗi ca khoảng 50 triệu đồng (năm 2005) là số tiền tương đối lớn. Song, với tính cách thẳng thắn, liêm khiết, hết lòng vì dân nghèo nên đi đến đâu, cô Sáu cũng được các tổ chức, cá nhân nhiệt tình ủng hộ. “Năm đầu tiên chỉ đủ kinh phí cho 3 trường hợp mổ tim. Về sau, mở rộng địa bàn vận động, hợp tác với các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước; tranh thủ mọi nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức nhân đạo, tổ chức phi chính phủ. Tính đến nay chúng tôi đã hỗ trợ điều trị, phẫu thuật tim được 783 ca; đồng thời, phối hợp với các bệnh viện ở TPHCM tổ chức khám sàng lọc bệnh tim cho trên 1.000 lượt bệnh nhân nghèo không có điều kiện lên tuyến trên”, cô Sáu nói.

Mỗi một trường hợp được hội giúp đỡ, hỗ trợ đều đọng lại trong cô Sáu những cảm xúc, ấn tượng riêng. Nhưng cô Sáu nhớ như in trường hợp em Sang ở huyện Tam Bình bị bệnh tim bẩm sinh, hai mẹ con sống trong căn chòi sâu hút sau vườn, muốn ra đường phải đi nhờ trên phần đất người khác. Mỗi lần Sang khó thở, người mẹ phải cõng con đi bộ ra bệnh viện. Cứ như vậy, hành trình kéo dài hơn 20 năm, cho đến khi người mẹ ngoài 60 tuổi không còn đủ sức để cõng con đi viện. “Khi biết trường hợp này tôi vô cùng xúc động, liền tìm đến nhà và đưa Sang đi phẫu thuật ngay. Bây giờ Sang đã khỏe, hiện làm công nhân, thỉnh thoảng cháu vẫn ghé thăm tôi”, cô Sáu cho biết. Cô Sáu cũng nói thêm, mỗi trường hợp điều trị thành công như đã đem lại cho cô một niềm hạnh phúc, niềm vui và cảm thấy khỏe hơn để tiếp tục phục vụ người nghèo. Hơn thế nữa, đó chính là niềm tin “đáp lễ” các tổ chức và cá nhân đã yên tâm hỗ trợ tiền của cho Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo mà cô Sáu giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt, quyết định chi tiêu, sử dụng như thế nào hiệu quả nhất.

Từ một chương trình ban đầu, đến nay cô Sáu đã cùng ban lãnh đạo hội vận động được gần 280 tỷ đồng để tổ chức 7 chương trình trợ giúp trên 2 triệu lượt người khuyết tật nghèo, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Trong đó, tặng 4.777 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; phẫu thuật 189 trẻ em bị sứt môi - hở hàm ếch bẩm sinh; tạo nguồn và hỗ trợ vốn sinh kế cho 394 trường hợp; sửa chữa 300 căn nhà và xây tặng 99 căn nhà tình thương; phẫu thuật và điều trị bệnh phụ khoa cho 695 chị em phụ nữ nghèo; trao tặng 9.476 suất học bổng, 1.177 xe đạp và nhiều dụng cụ học tập cho trẻ mồ côi, khuyết tật, con bệnh nhân nghèo… Đặc biệt, hội đã trợ giúp phẫu thuật đục thủy tinh thể 15.113 ca và cơ bản xóa mù trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2010.

Sau hơn 10 năm hoạt động, tổ chức “Hội bốn không” đã có 54 ủy viên ban chấp hành, trong đó có 8 ủy viên chuyên trách; 8 hội cấp huyện, 109 hội cấp cơ sở. Nơi đây đã thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho những người nghèo bệnh tật, người khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực, sức khỏe để vươn lên trong cuộc sống.

Điều cô Sáu trăn trở là hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít người nghèo lớn tuổi bị bệnh tim nhưng chưa được phẫu thuật, bởi đối tượng của chương trình chỉ hỗ trợ cho trẻ em. “Hiện nay, tôi cùng anh em trong hội tiếp tục vận động để giúp đỡ người lớn nhằm giúp họ vượt qua bệnh tật, xây dựng cuộc sống gia đình no ấm”, cô Sáu nói.

HỒ KIÊN GIANG

Tin cùng chuyên mục