Sóng gió chính trường Anh

Chính trường Anh ngày 4-11 đã nổi sóng khi ông Norman Baker, Quốc vụ khanh phòng chống tội phạm thuộc Bộ Nội vụ Anh từ chức. Ông Baker đã chỉ trích các thành viên thuộc đảng Bảo thủ, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Theresa May cản trở ông thực hiện quyền hạn của mình. Ông Baker cho biết đã gặp nhiều khó khăn để thực hiện một số chính sách, thậm chí có những chính sách mà Bộ Nội vụ đã đồng ý trước đó.

Tuần trước, ông Baker đã kêu gọi xem xét lại các luật về chống ma túy để dễ dàng xử phạt những tội phạm trong lĩnh vực này. Báo chí Anh dẫn lời ông Baker cho biết ông từ chức vì làm việc với đảng Bảo thủ như thể “đi bộ trong vũng bùn” và bị đối xử như những con chim non trong tổ. Bất đồng lớn nhất của ông với Bộ Nội vụ thể hiện ở các lĩnh vực tự do dân sự, luật nhập cư và chính sách đối xử với người cai nghiện.

Ông Baker từ chức giữa lúc các nhà phân tích cho biết kế hoạch siết chặt luật nhập cư của Chính phủ Anh sẽ phải trả giá đắt do ngăn chặn những người có trình độ giáo dục cao từ phần còn lại của châu Âu tới Anh. Ông Baker cho rằng đảng Bảo thủ đã “bị ám ảnh” với người nhập cư.

Phân tích của Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học College London (UCL) cho thấy những hạn chế mới với người nhập cư sẽ phải trả giá đắt. Người nhập cư (kể cả di dân lao động tạm thời) từ Liên minh châu Âu (EU) đến Anh, bao gồm công dân từ các nước thành viên mới như Ba Lan, đã đóng góp hơn 20 tỷ bảng từ năm 2001 đến năm 2011.

Công nhân nhập cư vào Anh đóng thuế nhiều hơn người dân Anh với 64% nhưng quyền lợi nhận được lại ít hơn. Những người nhập cư đến Anh từ năm 2000 nhận được 43%, ít hơn công nhân Anh về lợi ích nhà nước hoặc các khoản tín dụng thuế đối với người có khả năng mua nhà ở xã hội.

Cũng theo nghiên cứu của UCL, các công dân EU nhập cư vào Anh được giáo dục tốt hơn so với công dân Anh và mang lại “vốn con người” tương đương với chi tiêu 6,8 tỷ bảng Anh về giáo dục.

Sự kiện ông Baker từ chức khỏi nội các Anh sau 13 tháng làm việc chung với đảng Bảo thủ đã thổi bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn âm ỉ trong liên minh cầm quyền kể từ khi liên minh được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử năm 2010. Bộ Nội vụ Anh, nhất là Bộ trưởng Nội vụ Theresa May trong vụ này bị đảng Dân chủ tự do cáo buộc là một “cơ chế bảo thủ” trong một chính phủ bảo thủ.

Ngoài ông Baker, Bộ trưởng Kinh doanh Vince Cable thuộc đảng Dân chủ tự do cũng không ủng hộ việc siết chặt chính sách nhập cư. Ngay sau khi ông Cameron tuyên bố cần phải giảm lượng người nhập cư hợp pháp vào Anh, các lãnh đạo của đảng Dân chủ tự do, trong đó có Bộ trưởng Kinh doanh Vince Cable đã công khai chỉ trích chính sách này khi cho rằng chính sách này “rất thiếu khôn ngoan” và cho rằng chính sách này là mục tiêu của đảng Bảo thủ - không phải là của chính phủ liên minh.

Trước khi lên chia xẻ quyền lực, đảng Dân chủ tự do từng phản đối việc lập ra một giới hạn cố định về nhập cư và ủng hộ một lệnh ân xá cho một số người nhập cư bất hợp pháp từng có thời gian sống lâu dài ở Anh.

Vụ từ chức của ông Baker thuộc đảng Dân chủ tự do càng cho thấy liên minh cầm quyền giữa đảng này với đảng Bảo thủ ngày càng lỏng lẻo khi mà chỉ còn 6 tháng nữa nước Anh sẽ tổng tuyển cử.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục