Sóng gió đe dọa chiếc ghế Thủ tướng Anh

Ông Shapps cho biết 30 nghị sĩ của đảng cầm quyền, bao gồm 5 cựu bộ trưởng, đã ủng hộ việc bãi nhiệm Thủ tướng May.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu bế mạc Đại hội đảng Bảo thủ Anh ngày 4-10
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu bế mạc Đại hội đảng Bảo thủ Anh ngày 4-10

Sau bài phát biểu tại Đại hội đảng Bảo thủ Anh hôm 4-10, Thủ tướng Anh Theresa May không những không thể vực dậy sự đoàn kết trong đảng sau khi đảng này mất đa số tuyệt đối ghế trong Quốc hội ở cuộc bầu cử hồi tháng 6. Ngược lại, nhiều thành viên đảng này đang tính đến chuyện phế truất bà.

Cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ khơi mào

Trả lời phỏng vấn trên đài BBC ngày 6-10, cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ Grant Shapps nêu rõ vị trí lãnh đạo bà May đang bị thách thức và cần tổ chức cuộc bầu chọn người lãnh đạo đảng này. Ông Shapps cho biết 30 nghị sĩ của đảng cầm quyền, bao gồm 5 cựu bộ trưởng, đã ủng hộ việc bãi nhiệm Thủ tướng May. Trong số này có cả những người ủng hộ và phản đối việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Theo quy định, phải có ít nhất 48 nghị sĩ của đảng Bảo thủ ủng hộ mới có thể tiến hành các bước bãi nhiệm Thủ tướng May và sau đó cần đa số phiếu trong số các nghị sĩ Anh. 

Trong khi đó, nhiều thành viên nội các của Thủ tướng May đều lên tiếng ủng hộ bà tiếp tục “chèo lái” Chính phủ Anh. Nhóm này bao gồm cả Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd  và Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove. 

Hồi tháng 6, sau khi bầu cử Quốc hội Anh cho kết quả đảng Bảo thủ mất 12 ghế so với trước khi bầu cử, giới quan sát đã dự báo Thủ tướng Anh sẽ sớm rời bỏ chức vụ này. Do không giành được đa số quá bán 326/650 ghế cần thiết để thành lập chính phủ và buộc đảng Bảo thủ phải liên minh với đảng Liên minh Dân chủ (DUP - đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland, có đường lối thân Anh hiện giữ 10 ghế trong Quốc hội mới) để tiếp tục lãnh đạo. Bản thân Thủ tướng Anh Theresa May nhiều lần  khẳng định bà sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo thủ. Khi được hỏi về ý định có tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo thủ bước vào cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm 2022, Thủ tướng May khẳng định “sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng lâu dài”.

Cần ổn định để đàm phán Brexit

Sở dĩ vẫn còn một số thành viên đảng Bảo thủ chần chừ chưa muốn tham gia cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May vì trong đảng chưa có ứng viên nào sáng giá thay thế bà và trong bối cảnh đảng Bảo thủ cần đoàn kết trong thời điểm đàm phán Brexit. Theo báo Independent, hầu hết các thành viên của đảng Bảo thủ đều không muốn có một cuộc bầu lãnh đạo trong khi cuộc đàm phán Brexit đang diễn ra. Họ cảm thấy họ đã lãng phí rất nhiều thời gian với một cuộc tổng tuyển cử sớm đã diễn ra tồi tệ hồi tháng 6. Nhiều nghị sĩ sợ rằng thay đổi lãnh đạo có nghĩa là có nguy cơ diễn ra một cuộc tổng tuyển cử. Đó là điều mà họ thực sự không muốn. Một cuộc bầu cử sớm có thể xảy ra chỉ khi các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ với đa số 2/3 phiếu, như đã bỏ phiếu cho cuộc bầu cử tháng 6. Tuy vậy, không giống như hồi tháng 4, các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ không bỏ phiếu ủng hộ cuộc tổng tuyển cử sớm một lần nữa vì lo ngại sẽ mất luôn đa số ghế về tay Công đảng.

Ngoài ra, đảng Bảo thủ muốn có thêm thời gian để Thủ tướng Anh thực hiện các lời hứa với cử tri, trong đó có ngân khoản hơn 2 tỷ bảng tài trợ cho việc xây dựng 5.000 ngôi nhà xã hội. 

Thủ tướng May cho biết thêm, bà và chính phủ đương nhiệm không chỉ nỗ lực có được một “cuộc ly dị” (Brexit) có lợi cho nước Anh, mà còn đem đến tương lai tươi sáng cho Vương quốc Anh. Bà nhấn mạnh mục tiêu lâu dài là “đảm bảo nước Anh toàn cầu” có thể có chỗ đứng trong thế giới, tiến hành giao thương trên khắp thế giới, đồng thời giải quyết tình trạng bất công trong nước để đảm bảo nước Anh không chỉ mạnh hơn, mang tính toàn cầu hơn mà còn công bằng hơn trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục