Sóng gió tuổi về chiều

Con người luôn phải trải qua nhiều giai đoạn: tuổi trẻ, vợ chồng đồng lòng bên nhau, sinh con, cùng nuôi con lớn. Con cái khôn lớn cũng là lúc những cặp vợ chồng sống bên nhau mấy mươi năm có lẻ. Thế nhưng, ở tuổi về chiều, nhiều cặp vợ chồng già vẫn gặp không ít trục trặc trong cách ứng xử, vì con, vì tiền bạc, vì cách cư xử, về “quyền của anh, quyền của tôi”…, để rồi không ít gia đình rơi vào cảnh tình chia đôi.
Cần những sự chia sẻ để hạnh phúc gia đình ấm êm khi về già. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cần những sự chia sẻ để hạnh phúc gia đình ấm êm khi về già. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Bà Năm Phụng (ở quận 10, TPHCM) gần 60 tuổi, nhà có hai đứa con. Trong khi đứa con gái út ngoan ngoãn học giỏi thì con trai lớn - Hưng lại chỉ biết ham chơi, mê nhậu nhẹt, hay phá phách. Một phần nguyên nhân do bà Năm quá cưng chiều Hưng từ nhỏ. Trong nhà, với con trai, việc gì bà cũng lo lắng, chăm sóc từng chút một, phục vụ tận răng. Khi Hưng hơn 30 tuổi, bà Năm vẫn nuông chiều hết mực. Hưng phạm tội, vào tù ra khám vài lần vì ăn cắp vặt. Mỗi lần nhận tin con bị bắt, bà Năm lại khóc nhiều đêm. Trong khi đó, ông Năm cứ lặng thinh xem như không có chuyện gì, dù trong lòng ông cũng đau. Ông cư xử như thế vì đã nhiều năm gắng gồng chịu đựng hết nổi thằng con hư đốn, dạy hoài không được. Theo ông, cần phải để con thấy sai, hối lỗi, từ đó mới hy vọng con quay trở về và trưởng thành.

Cũng vì quan điểm nuôi dạy con trái ngược giữa hai bậc phụ huynh trong bao năm dài, nên ở độ tuổi U60, U70 mà hai vợ chồng ông Năm cứ cằn nhằn nhau hoài khi có việc gì liên quan đến Hưng. Đỉnh điểm sau những tranh cãi gay gắt: “Tại bà cưng chiều riết nên con hư”, “Tại ông không quan tâm, không thương con”, bà Năm quyết định sống ly thân, xây vách tường ngăn đôi căn nhà đang ở, con cái thì mỗi người chăm sóc một đứa. Ông Năm thấy vợ căng quá nên lặng im nhẫn nhịn. Bà Năm thì cứ nhất quyết mua gạch, cát, xi măng, kêu thợ đến dựng bức tường chia đôi căn nhà để sau khi con mãn hạn tù sẽ về ở với bà. Bà Năm sụt sùi: “Dù gì cũng là máu mủ ruột thịt, nó có bị gì đi nữa cũng bỏ sao đành”. Những ngày tháng sau đó, ông Năm cứ lặng thinh buồn bã, không mở miệng nói một lời nào nữa với người đã đầu ấp tay gối mấy chục năm ở bên kia của nửa căn nhà.

2. Bà Mai (ở quận Bình Tân, TPHCM) cũng vừa có trận tranh cãi kịch liệt với chồng. Bà than thở, ở cái tuổi gần đất xa trời rồi mà lúc nào bà cũng bị chồng quản thúc gắt gao. Bà đi hội họp, ăn uống, giao lưu trò chuyện với hội chị em phụ nữ cùng khu phố cũng bị chồng cằn nhằn trách móc, bảo già rồi còn đi “đú đởn”, “ngồi lê đôi mách”. Trong nhóm có vài chị đã ly dị chồng, đây cũng là cái cớ để ông ghét vì cho rằng “gần mực” sẽ “đen”. Lúc ông về quê vài ngày, bà tranh thủ đi chơi với các chị em bạn thì bị ông phát hiện. Ông cự nự rồi cứ nhắc lại nhiều lần với suy nghĩ “già rồi còn ham hố, phụ nữ là phải ở nhà chăm lo gia đình”. Tính gia trưởng của ông, bà biết từ hồi mới cưới, nhưng vì yêu thương nên bà cứ nhẫn nhịn suốt mấy chục năm. Cả cuộc đời, bà chẳng có được nhiều bạn bè vì cứ ru rú trong nhà, chỉ biết cái bếp quen thuộc, mải chăm lo chồng con, không hề được đi đó đi đây mở rộng các mối quan hệ xã hội, cũng không biết hàng quán nào ngon, không biết nơi đâu có cảnh đẹp. Thú vui giải trí duy nhất của bà là ở bên chồng, xem ti vi, chăm con và… hết. Giờ, tuổi về chiều, bà tham gia công tác hội ở phường, nhận làm tổ trưởng tổ dân phố, song, công việc “ăn cơm nhà, lo chuyện thiên hạ” này cứ bị ông càm ràm, đôi khi chửi vợ nặng lời vì không thích.

Trong trận cãi, tranh luận về quyền cá nhân, quyền phụ nữ với chồng, bà Mai khóc như mưa rồi bà đòi nhảy cầu Sài Gòn tự tử, đòi ly hôn. Với bà, giờ con cái lớn hết rồi, đứa nào cũng yên bề gia thất. Đây phải là lúc để bà nghỉ ngơi, thong thả hưởng thụ niềm vui tuổi già, nhưng ông cứ giữ thái độ và quan điểm “giam lỏng” cuộc sống và tinh thần bà miết như vậy, bà không nhịn nữa. Nghe bà đòi chết, đòi ly hôn, ông cũng chùng lòng, xuống nước, năn nỉ: “Thôi anh xin lỗi, giờ em muốn làm gì thì em làm, anh không quản nữa. Già rồi còn ly hôn cái gì, người ta nhìn vào cười cho”.

Sau buổi đối thoại nhiều sóng gió đó, tuy hai vợ chồng đã giảng hòa, song, tự trong thâm tâm, bà Mai và chồng vẫn còn lấn cấn. Tuổi già mấy chục năm bên nhau, những tưởng đã hiểu hết về nhau, có thể sẻ chia tất cả, nhẫn nhịn tất cả, nhưng thực tế không phải vậy. Cuộc sống vẫn luôn tồn tại bao chông chênh trong cách ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình, đôi khi là sự đối nghịch đã biết trước.

3. Cuộc sống vợ chồng chưa bao giờ là bằng phẳng, đó là quy luật. Dẫu vậy, người xưa có câu, vợ chồng có cãi nhau đầu giường thì cuối giường vẫn phải nhịn nhau, sẻ chia, thông cảm với nhau để làm hòa, để gìn giữ hạnh phúc, từ đó cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân.

Thực tế, không có một gia đình nào là hoàn hảo, trong cuộc sống thường nhật vẫn luôn có cãi vã, có chiến tranh, thậm chí là sự lạnh lùng diễn ra trong một thời gian rất dài, nhưng cho đến cuối cùng, hai chữ gia đình vẫn luôn là nơi tình yêu hiện hữu, để các thành viên gắn bó và yêu thương. Với tuổi già, con người sẽ có thêm những thay đổi tâm sinh lý và tâm tính khác biệt hơn. Vậy nên, việc các cặp vợ chồng già phải cố gắng chiều nhau, hiểu nhau, cùng chia sẻ những mối quan tâm, sự lo lắng, tình yêu thương... luôn là điều cần thiết và phải bản thân mỗi người tự học thêm mỗi ngày.

Tin cùng chuyên mục