Sống khỏe như các “tội đồ phố Wall”

“Về vườn” trong sung túc
Sống khỏe như các “tội đồ phố Wall”

5 năm trước, thị trường tài chính Mỹ chao đảo vì khủng hoảng dưới sự thao túng của các trùm tài phiệt phố Wall. Trong suốt thời gian đó, khi cả nước Mỹ phải vật lộn để vực dậy nền kinh tế thì những “tội đồ” này vẫn sống vương giả và chẳng có ai bị kết tội. Tờ Huffington Post đã có bài viết chỉ ra sự phi lý này.

Richard Fuld

Richard Fuld

Và một trong số những bất động sản đang sở hữu.

Và một trong số những bất động sản đang sở hữu.

“Về vườn” trong sung túc

Khi cuộc khủng hoảng tài chính ở nước Mỹ xảy ra, mọi sự chú ý đều đổ dồn về các ông chủ ngân hàng ở phố Wall, những tập đoàn lớn bởi đây là những đối tượng nghiễm nhiên nhận được hàng tỷ USD cứu trợ từ chính phủ để tránh bị sụp đổ, bất chấp sự chỉ trích kịch liệt của người dân. Vừa được cứu khỏi phá sản, lại vừa được miễn thuế, những đối tượng này không những được vực dậy sau khủng hoảng mà ngày càng lớn mạnh hơn. Chỉ một số ngân hàng không thể tự xoay xở đành phải tuyên bố phá sản nhưng điều đáng ngạc nhiên là các ông chủ cũ của họ hiện nay vẫn sống rất khỏe.

Lấy ví dụ từ trường hợp của Ngân hàng Lehman Brothers có 158 năm tuổi, phá sản với khối nợ hơn 600 tỷ USD. Vụ phá sản này xảy ra vào ngày 15-9-2008, châm ngòi cho sự bùng nổ của khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu. Lãnh đạo Lehman bấy giờ là Giám đốc điều hành Richard Fuld. Sau khi nghỉ hưu, Fuld đã có một biệt thự lớn ở Greenwich, bang Connecticut, cộng một điền trang rộng hơn 16ha ở Sun Valley, Idaho, cùng một căn nhà 5 phòng ngủ ở Jupiter Island, bang Florida. Ở thời hoàng kim của Lehman, khối cổ phiếu ngân hàng này mà Fuld nắm giữ trị giá hơn 900 triệu USD. Khi Lehman phá sản, số cổ phiếu này trở thành giấy vụn. Fuld đã mất rất nhiều nhưng ông không trắng tay. Bởi từ năm 2000 - 2007, ông nhận được khoản thù lao 529 triệu USD tiền lương và thưởng tiền mặt từ vai trò giám đốc điều hành. Fuld còn mở một công ty tư vấn nhưng không mấy thu hút khách hàng.

Trong khi đó Jimmy Cayne, cựu giám đốc điều hành của Ngân hàng Bear Stearns lại rút lui hoàn toàn. Hiện ông đang sống trong một căn hộ trị giá 25 triệu USD nằm trong khách sạn Plaza ở New York và ngày ngày tận hưởng thú chơi bài, đánh golf. Khoản tiền lương và tiền thưởng trị giá 87,5 triệu USD tiền tích cóp trong suốt 7 năm làm lãnh đạo ở Bear Stearns đã giúp ông sống sung túc ngay cả khi không còn tham gia đầu tư. Ngoài căn hộ ở Plaza Hotel, vợ chồng Cayne còn có một căn hộ khác ở Park Avenue, New York có giá khoảng 15 triệu USD. Ngoài ra, họ còn sở hữu một biệt thự trị giá 8,2 triệu USD ở Jersey Shore và một căn hộ 2,75 triệu USD ở Florida.

Một trong số những người không lo thiếu tiền khi về hưu đó là Kenneth Lewis, cựu giám đốc điều hành của Bank of America. Vụ thâu tóm Merrill Lynch sai lầm khiến Bank of America buộc phải nhận 45 tỷ USD tiền cứu trợ của chính phủ để tránh đổ vỡ, đã đẩy Lewis khỏi vị trí lãnh đạo. Nhưng với gói hỗ trợ nghỉ việc lên đến 83 triệu USD, số cổ phiếu Bank of America trị giá ít nhất 86,4 triệu USD, cộng thêm 52,4 triệu USD tiền lương và tiền thưởng, Lewis vẫn ung dung tận hưởng tuổi già.

Người chiến thắng

Trong một trận đấu, người thắng cuộc sẽ là người trụ lại được cho đến giờ phút cuối cùng. Điều này đúng với trường hợp của cựu giám đốc Merrill Lynch, Stanley O’Neal. Khác với Richard Fuld, Cayne, Jimmy Kenneth Lewis, ông Stanley O’Neal vẫn đang có những hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và ngân hàng, kể cả sau khi mất chức. Vào tháng 10-2007, O’Neal mất chức với gói bồi thường thất nghiệp lên tới 161,5 triệu USD. Trước đó, ông đã kiếm 68,4 triệu USD tiền lương và thưởng ở ghế lãnh đạo ngân hàng này, chưa kể lợi nhuận khoảng 18,7 triệu USD từ bán cổ phiếu Merrill. Hiện O’Neal đang ngồi một ghế trong Hội đồng quản trị của hãng nhôm lớn nhất thế giới Alcoa.

Jamie Dimon và Lloyd Blankfein, lãnh đạo của JPMorgan Chase&Co và Goldman Sachs Group, hiện vẫn đang nắm giữ 2 ngân hàng lớn và mạnh hơn bao giờ hết, dù trong cuộc khủng hoảng tài chính không ít người tiên đoán về số phận mong manh của nó. Tài sản của JPMorgan Chase tăng lên 2,44 ngàn tỷ USD từ mức 1,78 ngàn tỷ USD trước thời điểm Lehman phá sản. Năm 2008, Goldman Sachs không nằm trong nhóm 50 ngân hàng lớn nhất của Mỹ vì khi đó, Goldman chỉ thuần hoạt động ở mảng ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, Goldman đã trở thành ngân hàng lớn thứ 5 ở Mỹ với tài sản 939 tỷ USD.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính ở nước Mỹ, Llyoyd Blankfein trở thành tâm điểm của sự khinh miệt và ghen tị khi Goldman trao cho ông khoản tiền thưởng 68 triệu USD. Ông trở thành mục tiêu hứng chịu nhiều cơn thịnh nộ khi thản nhiên tuyên bố rằng Goldman đã làm “công việc của Thiên Chúa” bằng cách cho các doanh nghiệp vay tiền. Sau đó, Goldman bị buộc tội lừa đảo nhà đầu tư và phải nộp 550 triệu USD phí dàn xếp nhưng ông Blankfein vẫn giữ vững vị trí lãnh đạo của mình.

Trong lúc Blankfein trở thành “nhân vật phản diện” thì Jamie Dimon lại được vinh danh. Ông được chào đón tại Nhà Trắng và được ca ngợi là một trong những ngân hàng duy nhất không cần một gói cứu trợ nào. Trên thực tế, ngân hàng này còn tận dụng cơ hội để mua lại Bear Stearns với giá “gần như cho không” (Bear trị giá hơn 11 tỷ USD trong khi JP Morgan chỉ phải trả 260 triệu USD). JP Morgan cũng mua lại Washington Mutual và trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Lợi nhuận công bố hàng quý luôn vượt qua dự đoán của giới phân tích. Tuy nhiên, Jamie Dimon đang đối mặt với không ít rắc rối. Hồi tháng 1, JP Morgan đối mặt với yêu cầu thắt chặt các quy định chống rửa tiền. Cùng lúc đó, ngân hàng này cũng bị cấm vận vì giấu giếm các tài liệu liên quan đến mô hình Ponzi của Bernie Madoff. JP Morgan là ngân hàng phục vụ Madoff trong nhiều thập kỷ. Hiện nay, JP Morgan đang phải chịu sự giám sát của 8 cơ quan, trong đó có ủy ban điều tiết năng lượng liên bang. Ủy ban này buộc tội JP Morgan gian lận trên thị trường điện California và Michigan.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục