- Hóa ra dầu dừa, nước cốt dừa đóng hộp, cơm dừa nạo sấy, nước dừa… xuất xứ từ Bến Tre đã được bán ở thị trường quốc tế cả năm nay. Sau một thời gian chưa dài bán hàng trên trang thương mại điện tử Amazon, doanh nghiệp bán các thực phẩm làm từ dừa nói trên đã tăng trưởng ngon lành. Sản phẩm của họ đã có mặt ở hơn 30 nước như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn, châu Âu…
- Kiếm tiền nhờ bán hàng “ở trển” có dễ không? Mà thứ gì cũng bán được, hay là phải là hàng hóa mắc tiền?
- Mấy sản phẩm dừa kể trên thuộc loại bình dân mà, đâu có mắc. Vấn đề là để đứng chân được trên Amazon, phải đáp ứng được hàng loạt yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn, nguồn gốc xuất xứ. Cái nữa, là sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng quốc tế. Tỷ dụ như bán võng ở xứ ngoại thì doanh số chỉ ổn định kiểu túc tắc, vì người mua võng nằm thường là Việt kiều.
- Vậy tức là cơ hội đi xa của nhiều loại hàng hóa do doanh nghiệp xứ mình làm trên trang thương mại điện tử đó vẫn còn dư địa lớn?
- Đương nhiên rồi. Họ có tới 300 triệu khách hàng thường xuyên, nên cơ hội luôn rộng mở cho sản phẩm tốt. Thử thách không chỉ là ở giai đoạn đầu chưa chào mời được khách hàng, mà còn là duy trì được uy tín đàng hoàng về sau. Giữ uy tín dài dài là bán được hàng, doanh nghiệp sống khỏe.