Cách đây hơn 1 tháng, những hộ dân ở ấp Tân Lập (Hóc Môn, TPHCM) ngậm ngùi nhìn ruộng lúa của mình tàn lụi. Nguyên nhân do nước bị ô nhiễm ở kênh An Hạ dâng cao, tràn qua bờ đê chảy vào ruộng lúa. Sau khi nước rút, để lại lớp màng nhầy màu đen bám trên thân lúa, làm cây lúa chết dần. Trên địa bàn xã, đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa, nguồn nước chính lấy từ kênh An Hạ, nhưng dòng kênh này lại ô nhiễm nặng do bị xả thải bởi các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Hóc Môn, Củ Chi và các tỉnh lân cận. Sự cố tràn nước ô nhiễm vào ruộng lúa vừa qua rất dễ tái diễn do hệ thống đê bao ở đây chưa được đầu tư hoàn chỉnh.
Đi dọc theo các tuyến kênh Tham Lương, kênh Trường Đai, sông Vàm Thuật, tình trạng những nhánh kênh đen ngòm đổ ra tuyến kênh chính khá phổ biến. Trên nhánh sông Vàm Thuật, mức độ ô nhiễm tăng dần khi đi ngược về phía thượng nguồn theo thứ tự qua các phường 6, phường 15, phường 13, phường 14 của quận Gò Vấp. Anh Lâm câu cá ở gần cầu An Lộc, phường 6, quận Gò Vấp chia sẻ: “Tại tui ghiền quá nên mới tới đây câu thôi, chứ cá ở đây khi câu lên có mùi khó ngửi lắm, đem về không dám ăn. Chủ yếu là cá trê da đen, chỉ có loại này mới sống nổi”.
Mới đây người dân sống ở phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức lại hứng chịu mùi khét cay nồng do Công ty cổ phần Nam Thái Hà gây ra. Nguyên nhân do công ty này tổ chức sấy lõi từ kim loại để làm nguyên vật liệu sản xuất ổn áp, máy biến thế. Trong quá trình đốt đã thải ra khói gây ô nhiễm vào khu dân cư. Thời gian bắt đầu làm việc của công ty từ 19 giờ đến 5 giờ sáng khiến người dân sống trong khu vực hết sức khốn khổ, nhưng việc kiểm tra bằng cách lấy mẫu không khí để giám định lại cho ra kết quả không vượt quy định, do lúc lấy mẫu công ty này đã tạm ngừng công đoạn sấy.
Hiện nay, việc kiểm tra, xử lý đổ rác không đúng nơi quy định còn khá nhiều lỏng lẻo, nhất là ở những khu vực thưa nhà ở, gầm cầu, chân cầu… Tại chân cầu Trường Đai, quận Gò Vấp, đã trở thành bãi rác công cộng bốc mùi hôi thối nồng nặc. Than đá sau khi đốt, những bao rác, bao chứa lòng gia súc, gia cầm… đổ chạy dài xuống dòng kênh. Đứng trên cầu quan sát một lúc, chúng tôi bắt gặp những người bán mía hốt từng đống vỏ đứng trên cầu thảy xuống gầm cầu; hai người phụ nữ khác khiêng giỏ xà lách đã hỏng ném xuống gầm cầu. Tình trạng trên cũng diễn ra ở một số chân cầu khác như cầu Bến Phân (Gò Vấp), cầu Chợ Cầu (quận 12)…
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước phần lớn do rác thải sinh hoạt đổ thẳng xuống các nhánh kênh, trong khi những nhánh kênh này ít được nạo vét, lâu ngày ứ đọng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tại nhánh kênh đổ ra kênh Trường Đai, đoạn qua phường 13, quận Gò Vấp, rác thải sinh hoạt như hộp xốp, bao ni lông, ván gỗ… tràn ngập dòng kênh. Anh Thanh Hưng, người dân sống cạnh con kênh nói: “Kênh này nhiều rác do nhiều người vứt rác ở mấy chỗ đất trống gần kênh, mưa xuống rác trôi hết xuống kênh, những ngày nước rút mà gặp trời nắng thì kênh hôi lắm”. Còn một số tuyến kênh khác bị bèo, cỏ dại phủ kín, nước thải sinh hoạt của người dân ở dọc hai bên tuyến kênh thải ra cũng không cách nào thoát được. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nhánh kênh đổ ra các tuyến sông chính. Điều này thật đáng lo ngại!
QUANG KHOA