(SGGPO). - Đây là thông tin được đại diện Bộ Y tế cho biết tại buổi phát động chiến dịch tuyên truyền hướng đến Tháng hành động phòng chống sốt xuất huyết (8-2014).
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã ghi nhận trên 8.100 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại 41 tỉnh/thành phố, trong đó có 4 ca tử vong. Hiện nay, các ca mắc SXH tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam với 83% số mắc cả nước. Tuy nhiên, có 18 tỉnh, thành phố đã ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.
Cục trưởng Nguyễn Huy Nga cũng cảnh báo, vào những tháng tới, SXH có thể bùng phát tại nhiều địa phương với số ca mắc tăng cao khi mùa mưa tới là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh. Hơn nữa cần lưu ý, người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa thường có thói quen trữ nước sinh hoạt nhưng không có nắp đậy an toàn. Đây là nơi lý tưởng để loăng quăng và muỗi sinh sôi nảy nở, gây dịch bệnh.
Do đó, đây là thời điểm quan trọng để người dân cần nâng cao nhận thức và có những hành động cụ thể để phòng chống SXH. Người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp chống muỗi thông thường như giảm thiểu các khu vực có nước đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các dụng cụ chứa nước mưa.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, Bộ Y tế, cho biết, người mắc SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, chán ăn, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau nhức cơ, khớp kéo dài từ vài ngày đến một tuần hoặc lâu hơn. Sốt có thể đi kèm với phát ban, uể oải kéo dài trong nhiều tuần, triệu chứng thường xuất hiện là xuất huyết dưới da.
Tại khu vực phía Nam, mặc dù bệnh SXH xảy ra quanh năm, nhưng dịch bùng phát cao điểm trong mùa mưa (tháng 7 và tháng 8). Đáng lo ngại khi hiện nay chưa có vaccine phòng chống SXH đặc hiệu, trong khi đó bệnh có thể tấn công tất cả mọi người, từ trẻ em đến người lớn. Đặc biệt cả 4 tuýp virus (D1-D4) gây SXH đều đang hoạt động, dẫn đến các tuýp virus này không miễn dịch chéo lẫn nhau, nên người mắc tuýp này có thể nhiễm một tuýp khác.
Hiện nay miễn dịch SXH cũng không bền vững, người mắc năm nay, năm sau vẫn có thể mắc lại. Được biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50.000 ca mắc SXH và khoảng 40 người tử vong.
QUỐC LẬP
>> Nghiêm túc phòng chống dịch, không chủ quan
>> Dịch chồng dịch, vaccine cạn kiệt