Sau hơn 5 tháng không ghi nhận thêm ca mắc kể từ hồi tháng 3-2016, trong tháng 9-2016 này, ngoài đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH) thì dịch bệnh Zika lại “tái xuất” ở TPHCM.
Vì vậy, nguy cơ đang đối mặt là sự bùng phát của dịch kép: SXH và Zika - đều có yếu tố dịch tễ từ muỗi. Chiều 19-9, Bộ trưởng Bộ Y tế các nước Đông Nam Á đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến để bàn các giải pháp nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra với các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giám sát phòng chống virus Zika tại quận 2
Cao điểm dịch sốt xuất huyết
Thời tiết mưa nhiều từ đầu tháng 9-2016 đến nay đã khiến bệnh SXH tăng cao. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, sau nhiều tháng nỗ lực “kềm chân” được bệnh dịch SXH thì nay thời tiết đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, bệnh đã gia tăng nhanh. Thống kê cụ thể trong tuần đầu của tháng 9, trên địa bàn TPHCM có 501 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị. Số ca bệnh này tăng 34% so với mức trung bình của tháng 8. Nếu tính tổng từ đầu năm đến nay, TPHCM đã có 11.306 bệnh nhân mắc SXH, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, một số địa bàn có ổ dịch SXH phổ biến là huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận Thủ Đức, Bình Thạnh… Trong tháng 8-2016, một ổ dịch SXH tại huyện Hóc Môn khiến 5 người mắc, trong đó một người tử vong. Sau đó, cũng tại khu vực ổ dịch này tiếp tục xuất hiện 4 ca mắc SXH. Riêng huyện Củ Chi đang là địa bàn “nóng” về dịch SXH bởi ổ dịch và ca mắc tăng cao, vừa được Trung tâm Y tế dự phòng TP phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát tại xã Tân Phú Trung.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, qua giám sát 10.979 điểm nguy cơ SXH ngoài cộng đồng thì phát hiện có đến 3.440 điểm nguy cơ có lăng quăng, chiếm 31%. Ngoài ra, TP còn phát hiện thêm 723 điểm nguy cơ mới phát sinh dịch SXH.
Trước đó, hồi tháng 7-2016, dịch SXH đã bùng phát mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào cuộc thị sát, yêu cầu khẩn cấp các biện pháp dập dịch. Theo Bộ Y tế, hiện dịch SXH gia tăng khiến cả nước đã có hơn 50.000 người mắc tại 48 tỉnh, TP với 17 trường hợp tử vong (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Dịch Zika… tái xuất
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến ngày 19-9, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của virus Zika. Riêng tại Đông Nam Á đã có 7 quốc gia xuất hiện ca bệnh do virus Zika. Đặc biệt, tại Singapore, từ cuối tháng 8-2016 đến nay, dịch bệnh do virus Zika đã bùng phát với trên 396 trường hợp nhiễm.
Đầu tháng 9-2016, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ghi nhận một công dân người Đức nhiễm virus Zika sống ở quận 2 (TPHCM). Ngày 13-9 tiếp tục ghi nhận một trường hợp là công dân nam, 63 tuổi, người Đài Loan, xác định nhiễm virus Zika sau khi dự đám cưới tại Trà Vinh… Hồi tháng 3-2016, dịch Zika đã “xâm nhập” Việt Nam và TPHCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước phát hiện có ca bệnh. Trong đó, có cả thai phụ bị mắc phải virus Zika cũng cư ngụ trên địa bàn quận 2, khiến cộng đồng hết sức lo lắng… Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, hiện dịch bệnh Zika đã lan rộng trở lại sau một thời gian tạm lắng. Một số nước như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines… đã có virus Zika lưu hành và nguy cơ dịch bệnh do virus Zika bùng phát tại Việt Nam là rất cao. Bởi lẽ virus Zika đã xuất hiện và lưu hành trong cộng đồng tại Việt Nam. Trong khi đó, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh virus Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa. Ngoài ra, đó là sự đi lại giao lưu thuận lợi giữa các quốc gia Đông Nam Á nên nguy cơ nhiễm bệnh từ người trở về từ vùng dịch rất cao.
Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus Zika, cũng tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Bộ Y tế các nước Đông Nam Á, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch. Tăng cường giám sát virus Zika tại các cơ sở y tế, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ. Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex để giám sát, sàng lọc đồng thời 3 bệnh gồm Zika, sốt xuất huyết và sốt Chikunggunia. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ rõ, để phòng bệnh do virus Zika hiệu quả nhất, người dân cần chủ động và thường xuyên diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng)...
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN đã thống nhất ra tuyên bố chung với nội dung: Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các nước sẽ đẩy mạnh các cơ chế hiện có để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm có được sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác. Thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do virus Zika.
TƯỜNG LÂM - KHÁNH NGUYỄN