Sri Lanka đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đẩy lạm phát ở Sri Lanka lên mức kỷ lục, trong khi giá lương thực tăng vọt và kho bạc cạn kiệt. Khó khăn chồng chất khiến quốc gia này phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trong năm nay.  

Nhiều mặt hàng thực phẩm của Sri Lanka có giá cả tăng vọt
Nhiều mặt hàng thực phẩm của Sri Lanka có giá cả tăng vọt

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 500.000 người ở Sri Lanka đã rơi xuống dưới mức nghèo khổ kể từ khi bắt đầu đại dịch. Cuộc khủng hoảng của Sri Lanka bị tác động mạnh do dịch Covid-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ngành du lịch - xương sống của nền kinh tế vốn đóng góp hơn 10% GDP nước này. Tỷ lệ lạm phát của Sri Lanka tăng lên mức kỷ lục 12,1% trong tháng 12-2021, giá thực phẩm cũng leo thang chóng mặt.Sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố tình trạng kinh tế khẩn cấp đối với Sri Lanka, quân đội được giao nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu, bao gồm gạo và đường. Nhiều người bị đẩy đến tình trạng không còn đủ sức nuôi sống gia đình. Các mặt hàng cơ bản trở nên quá tầm với nhiều người dân nước này.

Quyết định đột ngột vào tháng 5 của Tổng thống Rajapaksa về việc cấm tất cả các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã buộc nông dân phải sử dụng sản phẩm hữu cơ, đẩy ngành nông nghiệp vốn thịnh vượng trước đây rơi vào tình trạng điêu đứng. Nông dân đã quen sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không thể tìm ra giải pháp thay thế để tạo ra cây trồng khỏe mạnh hoặc diệt cỏ dại và côn trùng. Nhiều người sợ bị thua lỗ đã quyết định không trồng trọt, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực ở Sri Lanka.

Vào cuối tháng 10, tuy chính phủ đã thu hồi lại chính sách, nhưng nông dân vẫn phải vật lộn để trang trải chi phí nhập phân bón cao ngất ngưởng mà không có sự trợ giúp. Không chỉ vậy, Chính phủ Sri Lanka còn có mức chi tiêu cao và cắt giảm thuế, làm xói mòn nguồn thu của nhà nước. Ngoài ra, các khoản trả nợ lớn và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập niên cũng là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng. 

Tình hình trở nên tồi tệ đến mức mỗi ngày trước văn phòng hộ chiếu, người người lại xếp hàng dài đợi đến lượt làm thủ tục xuất cảnh. Cứ 4 người Sri Lanka sẽ có một người nói rằng họ muốn rời khỏi đất nước, chủ yếu là thanh niên và tầng lớp trí thức. Đối với những người cao tuổi, tình cảnh này gợi nhớ đến đầu những năm 1970, khi việc kiểm soát nhập khẩu và sản lượng thấp trong nước gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa cơ bản.

Theo Hãng tin Reuters, việc tái cơ cấu các khoản vay đang được xem là giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka. Trong ngày 18-1, Sri Lanka phải trả khoản vay đầu tiên là 500 triệu USD trong tổng nợ phải trả trong năm nay là 4,5 tỷ USD. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của nước này giảm nhanh trong hai năm qua.

Tính đến tháng 11-2021, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka là 1,6 tỷ USD, trong bối cảnh đồng nội tệ tiếp tục suy yếu. Điều này gây ra những lo ngại rằng đảo quốc Nam Á này không thể thanh toán các hợp đồng nhập khẩu trong thời gian tới.

Cơ quan xếp hạng S&P Global đã cảnh báo về khả năng vỡ nợ trong năm nay, khi hạ xếp hạng trái phiếu chính phủ của nước này. Chính phủ Sri Lanka đã đưa ra đề nghị tái cơ cấu nợ với các chủ nợ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran… Cuối năm ngoái, Sri Lanka đã đạt được một thỏa thuận, theo đó Sri Lanka hàng tháng sẽ xuất khẩu lô trà Ceylon trị giá 5 triệu USD sang Iran để giải quyết khoản nợ mua dầu trị giá 251 triệu USD mà Tehran cung cấp cho Colombo cách đây 9 năm.

Tin cùng chuyên mục