Stephen Hawking: Khi khoa học là sợi dây nối dài sự sống

Cuối cùng, Stephen Hawking đã từ giã cuộc sống trong sự bình lặng vào sáng sớm 14-3-2018 tại nhà riêng ở Cambridge, nước Anh, thọ 76 tuổi. Một sự ra đi rất đỗi nhẹ nhàng. 
Stephen Hawking
Stephen Hawking
Trong tuyên bố gửi tới Hiệp hội Báo chí, các con ông Lucy, Robert và Tim, cho biết: “Chúng tôi vô cùng đau buồn khi người cha yêu quý của chúng tôi đã qua đời vào hôm nay. Ông là một nhà khoa học vĩ đại, một con người phi thường với những di sản và công trình sẽ còn sống mãi trong nhiều năm sau”.
Stephen Hawking là một nhà khoa học vật lý vĩ đại. Chủ đề lớn nhất mà ông theo đuổi lại là chủ đề vô cùng quan trọng với mỗi con người, với vạn vật, đó là “Thời gian”. Ông tìm hiểu về nơi bắt đầu của thời gian, ngay từ điểm thời gian mà ông đang tồn tại. Như một người có nhãn quan và tầm nhìn vượt thời đại, phát kiến của ông cho chúng ta thấy được nơi bắt đầu của thế giới mình đang sống. Và mọi thứ không hề mất đi, nó chỉ là chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, nó còn tồn tại mãi.
Tôi nhớ có một lần ngồi ở Bảo tàng Khoa học kỹ thuật Thượng Hải, sau khi đã tham quan mê mệt các gian phòng rộng lớn giới thiệu mô hình vũ trụ, các thiên hà, trái đất, tôi bắt đầu xem phim. Đó là phim về vụ nổ Big Bang, một sự kiện quan trọng trong cuốn Lược sử thời gian của Stephen Hawking.
Khi phim được chiếu, vụ nổ Big Bang, sự hình thành của trái đất và vô số hành tinh khác trong vũ trụ bao la như một lần nữa được xảy ra, hiện thực sống động đó đem lại cho tôi cảm giác tuyệt vời về sự sống, về trái đất, về vũ trụ và các thiên hà, các hố đen mênh mông ngoài kia. Hóa ra nó thật là gần gũi với một con người bé nhỏ, một hạt cát trong đời như tôi. Từ đó tôi thấy trân trọng và yêu quý đời sống rất nhiều. Và tôi cũng như cả thế giới nhận ra rằng, không chỉ các ngành khoa học tự nhiên như vật lý, như nghiên cứu và thám hiểm vũ trụ, như thiên văn học, địa chất học cần tới phát kiến của Stephen Hawking, mà nhiều ngành khoa học xã hội khác đều cần tới nghiên cứu của ông. Ví dụ như văn học, lịch sử, triết học, thậm chí cả tôn giáo. 
Tuy nhiên, biết về Stephen Hawking để càng khâm phục hơn cách mà nhà vật lý học lừng lẫy này đã sống, nghiên cứu và cống hiến. Khởi nguồn từ một thanh niên tràn đầy sức sống, thông minh và giàu năng lượng, ông phải đối diện với bệnh tật và phải chiến thắng bệnh tật.
Từ trong cuộc sống gian nan này, ông nhiều lần phải vượt qua “bản án tử hình” của mình. Cũng từ đó, ông nhận được vô vàn sự giúp đỡ của vợ con, của người thân, của những người tử tế. Một cuộc sống như là quà tặng của lòng biết ơn.
Ông từng tâm sự về bệnh tật của mình rằng: “Người ta thường hỏi rằng tôi có tâm trạng như thế nào khi sống với căn bệnh teo cơ ALS (amyotrophic lateral sclerosis). Chẳng có gì nhiều để trả lời. Tôi cố sống như bình thường, không nghĩ về tình trạng bệnh tật và quên đi những rào cản mà căn bệnh đưa đến… Giấc mơ về cuộc đời tôi lúc còn trẻ rất mơ hồ. Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, tôi cảm thấy không hứng thú với cuộc sống. Dường như chẳng có gì đáng để làm. Rồi sau khi xuất viện, tôi thấy như mình sắp bị hành hình. Bỗng nhiên lúc đó tôi nhận ra rằng, có rất nhiều điều đáng để thực hiện nếu bản án tử hình của tôi được hoãn lại. Như thế, dù sao tôi cũng làm được gì đó cho cuộc sống trước khi mình chết. Cảm giác ham sống tràn ngập tim tôi và công trình nghiên cứu bắt đầu tiến triển nhanh hơn…”.
Chứng bệnh khiến tế bào thần kinh vận động không làm việc được đã không thể ngăn Stephen Hawking trên bước đường nghiên cứu khoa học một cách thành công. Và Stephen Hawking kết luận rằng, điều đó cho bản thân ông nhận ra người ta không nên từ bỏ hy vọng quá sớm. Định mệnh có thể bước sang lối đi khác, sáng sủa hơn, khi chúng ta không vội vã bi quan trước những rào cản cuộc đời.
Năm 1970, Stephen Hawking cùng nhà vật lý Roger Penrose áp dụng các công trình toán học về hố đen vào nghiên cứu vũ trụ và chỉ ra điểm kỳ dị không - thời gian vào thời điểm vụ nổ Big Bang xảy ra. Đây được coi là công trình khoa học quan trọng, nổi bật về Lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ Thuyết Tương đối Tổng quát và tiên đoán Lý thuyết Hố đen phát ra bức xạ (tức Bức xạ Hawking). 
Năm 1974, Stephen Hawking nêu giả thuyết về hố đen phát ra bức xạ và cuối cùng sẽ biến mất.
Năm 1982, Stephen Hawking trở thành một trong những người đầu tiên chỉ ra cách các dao động lượng tử, những biến đổi rất nhỏ trong sự phân bố vật chất, có thể tác động đến sự trải rộng của các thiên hà trong vũ trụ.
Với cuốn sách A Brief History of Time (tên tiếng Việt là Lược sử thời gian) xuất bản lần đầu năm 1988, Stephen Hawking trở nên đặc biệt nổi tiếng. Cuốn sách lập kỷ lục khi trụ vững trong danh sách bán chạy nhất của tạp chí Sunday Times suốt 237 tuần. Cuốn sách đã bán được 10 triệu bản và được dịch sang 40 ngôn ngữ.
Năm 2001, tác phẩm The Universe in a Nutshell (Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ) được ông trình làng và đoạt giải Aventis dành cho sách khoa học năm 2002, bán được hơn 10 triệu ấn bản trên thế giới. Nó thường được xem là phần tiếp theo của Lược sử thời gian.
Năm 2005, ông xuất bản A Briefer History of Time (tạm dịch Một Lược sử Tóm tắt của Thời gian) với đồng tác giả Leonard Mlodinow để cập nhật các kết quả nghiên cứu mới hơn.
PHƯƠNG AN

Tin cùng chuyên mục