Mặc dù Bộ Xây dựng khẳng định chất lượng các công trình quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm đã được kiểm soát chặt chẽ, an toàn; tuy nhiên, hàng loạt các sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua như vỡ đê quây thủy điện Iakrel 2, sập trần treo Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, rơi sắt thép tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sập hầm thủy điện Đạ Dâng… và mới đây nhất, đường ống dẫn nước sạch Sông Đà (Hà Nội) bị vỡ lần thứ 10, vẫn đang đặt một dấu hỏi lớn về công tác quản lý chất lượng các công trình.
Với chức năng là cơ quan quản lý trong lĩnh vực xây dựng, mỗi khi xảy ra sự cố, Bộ Xây dựng luôn có mặt kịp thời để kiểm tra, giám định xác định nguyên nhân và hướng dẫn xử lý. Nguyên nhân nhiều sự cố đã được sáng tỏ, trong đó, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã phải chịu trách nhiệm do việc thi công ẩu, không tuân thủ thiết kế, không đảm bảo quy trình thi công và các quy định về an toàn lao động… Trong các báo cáo, các cơ quan quản lý nhà nước từ Cục Quản lý chất lượng các công trình của Bộ GTVT, Cục Giám định chất lượng các công trình xây dựng của Bộ Xây dựng và Hội đồng nghiệm thu nhà nước… đều khẳng định đã liên tục nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư cùng các bên liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công. Thế nhưng, các sự cố vẫn cứ liên tục xảy ra.
Chỉ trong vòng 35 tháng, đường ống nước sạch Sông Đà đã bị vỡ 10 lần liên tiếp. Nguyên nhân sự cố được Bộ Xây dựng xác định là do chất lượng của ống không đồng đều, một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống; thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng… Rõ ràng, các cơ quan quản lý đã không thật sự sát sao kiểm soát dự án, từ khâu thiết kế, thi công cho đến nghiệm thu công trình. Tương tự, với sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, dự án do Tổng Công ty Công trình xây dựng giao thông 5 làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2003 và dự kiến hoàn thành năm 2006, nhưng đến nay đã 3 lần thay đổi nhà thầu và chậm tiến độ 8 năm. Nếu công tác khảo sát, thiết kế, thi công được làm nghiêm ngặt, công trình đã phải hoàn thành từ lâu và sự cố chắc hẳn đã không xảy ra. Đặc biệt, sự cố rơi sắt thép tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới đây cũng được xác định nguyên nhân là đơn vị thi công không đúng quy trình, công tác kiểm tra giám sát cũng thiếu chặt chẽ, hậu quả là hàng loạt cán bộ của ngành GTVT đã bị mất chức và xử lý trách nhiệm liên quan…
Xử lý sau sự cố là việc làm bất đắc dĩ, làm thế nào để ngăn chặn sự cố mới là điều quan trọng. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý và cả người dân đã rất kỳ vọng vào Luật Xây dựng vừa được ban hành. Hàng loạt các nghị định mới sẽ tạo ra những công cụ quản lý hữu hiệu để nâng cao chất lượng các công trình xây dựng. Bởi khi xây dựng luật, Bộ Xây dựng luôn khẳng định tinh thần của Luật Xây dựng mới sẽ thể chế hóa những quan điểm đổi mới căn bản, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy quản lý đầu tư xây dựng. Theo đó, sẽ chuyển đổi từ cơ chế “hậu kiểm” sang “tiền kiểm”; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí; nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Cũng trong luật và nghị định mới, các nhà quản lý đề cao việc coi trọng điều kiện năng lực, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và có hẳn một nghị định riêng về xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng. Thực tế cũng cho thấy, việc “tiền kiểm” được thực hiện trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, chất lượng thiết kế được nâng lên, cắt giảm và tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngân sách. Cụ thể, năm 2014, Bộ Xây dựng đã cắt giảm chi phí sau thẩm tra thiết kế gần 6.000 tỷ đồng và 97% số công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng an toàn. Tuy nhiên, tình trạng dự án chậm tiến độ vẫn còn, nguy cơ xảy ra sự cố vẫn hiện hữu, tác động tích cực từ Luật Xây dựng và các nghị định mới đối với công tác quản lý vẫn chưa thực sự rõ nét.
Như các nhà hoạch định chính sách thường nói, các luật, chính sách mới được ban hành đi vào cuộc sống luôn có một “độ trễ” nhất định. Vấn đề là “độ trễ” này sẽ dài hay ngắn? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt của Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan. Chỉ khi nào công tác “tiền kiểm” được thực hiện nghiêm túc ở mọi dự án lớn nhỏ, nghĩa là công tác đầu tư xây dựng được kiểm soát ngay từ đầu, thì tiến độ công trình mới được đảm bảo và hạn chế được những sự cố trong quá trình thi công.
BÍCH QUYÊN