Vừa qua, báo chí thông tin, qua kiểm tra nội bộ, Hà Nội không phát hiện tham nhũng. Thông tin này gây ra phản ứng trái chiều: có ý kiến cho là không có tham nhũng là một tín hiệu đáng mừng, nhưng nhiều ý kiến khác lại nghi ngờ kết quả này.
Dư luận có quyền nghi ngờ, bởi một địa phương khẳng định mình không có tham nhũng thì nhiều địa phương khác cũng có thể khẳng định như vậy, nhưng trên thực tế, tình hình tham nhũng khó có thể nói là đã được ngăn chặn và đẩy lùi. Ở đây, việc kiểm tra nội bộ có thể thiếu khách quan, có thể chưa chính xác!
Phải khẳng định rằng, kiểm tra nội bộ (tức là tự bản thân rà soát, đánh giá) là một biện pháp cần thiết trong quá trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, ngành. Việc kiểm tra nội bộ nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật, nội quy cơ quan, điều lệ ngành…, xem có phù hợp chưa, có hiệu quả không, có cần điều chỉnh, sửa đổi hoặc khắc phục gì không, kể cả việc phát hiện và xử lý các hạn chế, sai phạm.
Tuy nhiên, do đặc thù của kiểm tra nội bộ là “tự kiểm tra nhau” nên có thể thiếu khách quan, thiếu chính xác. Đó là việc bao che, thỏa hiệp lẫn nhau, tức là đã phát hiện sai sót, hạn chế nhưng các bên có thể “trao đổi”, “dàn xếp” với nhau để giấu nhẹm. Đó là hiện tượng “nhẹ người nhẹ ta”, “dĩ hòa vi quý”, “tình thương mến thương”, tức là không quyết liệt tìm ra hạn chế, sai sót mà có sự “du di” cho nhau để người kiểm tra lẫn người được kiểm tra đều không phải quá căng thẳng, khó xử. Đó là việc kiểm tra không đầy đủ, toàn diện, để sót những lĩnh vực, những mảng nào đó, do không đủ điều kiện, không quyết tâm hoặc không có đủ thẩm quyền…
Trong thời gian qua, việc phát hiện tham nhũng vẫn là một khâu yếu. Phần nhiều các vụ tham nhũng được phát hiện là do có tố cáo của người dân hoặc của cán bộ, nhân viên tại chính chính quyền, đơn vị đó, qua sự phanh phui của báo chí, chứ bản thân cơ quan, đơn vị tự phát hiện tham nhũng còn rất ít.
Do vậy, cần thực hiện công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Đó là, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ, công chức, viên chức khác do mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (theo Điều 59 và 60 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005). Tuy nhiên, nếu người tham nhũng chính là thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì phải sử dụng biện pháp khác. Đó là phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát.
Bên cạnh đó, kênh đấu tranh phòng, chống tham nhũng qua báo chí cũng cần được xem trọng đúng mức. Cần có cơ chế phối hợp, sử dụng thông tin một cách phù hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan báo chí. Ngoài ra, chính việc xử lý nghiêm minh các vụ tham nhũng đã được phát hiện cũng có tác dụng tích cực trong việc động viên các tổ chức và cá nhân tố cáo tham nhũng.
Như vậy, cần sử dụng nhiều kênh, nhiều biện pháp để phát hiện và xử lý tham nhũng. Kiểm tra nội bộ là một trong số các kênh đó, nhưng không thể chỉ dựa vào kênh này. Qua kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, có người nói rằng, không thể có người lấy đá đập chân mình. Nếu việc kiểm tra nội bộ thiếu nghiêm túc thì rất khó phát hiện tham nhũng, bởi cũng chẳng có ai lấy đá đập chân mình!
VÂN TÂM