Sự học bắt đầu từ 3 tuổi

Những ngày này ở Bắc Kinh, mặc dù đang vào hạ, nhưng tận ngóc ngách các đô thị, người ta bàn tán không ngớt đến dự thảo chỉ thị của Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa công bố, trọng tâm không gì khác ngoài nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển thể chất, xã hội và tình cảm của trẻ mẫu giáo, từ 3 đến 6 tuổi.

Theo dự thảo, giới chức ngành giáo dục đề nghị các bậc cha mẹ chỉ cần trang bị cho trẻ trước khi vào lớp 1 kỹ năng cộng, trừ trong phạm vi 10 và quan tâm hơn đến giáo dục lời ăn tiếng nói của trẻ. Thế nhưng, đây lại là một trong những nội dung bị chỉ trích nhiều nhất khi dự thảo được công bố và đưa ra bàn thảo công khai trên Internet. Thậm chí, nó gây hoang mang cho các bậc cha mẹ trung lưu ở thành thị - những người đang lo sợ “tiêu chuẩn” trên, nếu được áp dụng, sẽ đánh mất cơ hội học tập càng sớm càng tốt của trẻ và kết thúc truyền thống lâu đời của một nền giáo dục khắc khổ bắt đầu ngay từ những năm đầu đời.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy trong số 1.000 phụ huynh chuẩn bị cho con vào lớp 1, có đến 89% cho con học toán; 28% học ngoại ngữ; trong khi 20% khác đã gửi con đi học dự bị lớp 1. Như trường hợp cháu Haobo, 3 tuổi, khi mới 12 tháng tuổi cháu đã được làm quen với món đồ chơi là bảng dạy tiếng Anh điện tử. Hiện cháu có thể nhận biết một số từ tiếng Anh về động vật, món ăn, một số phương tiện giao thông và đọc các chữ cái lưu loát. Cha mẹ cháu hy vọng khi Haobo lên 4 tuổi, cậu có thể đếm đến 100 và có thể thuộc 26 chữ của bảng chữ cái, cũng như một số ký tự Trung Quốc đơn giản. Phía trước, cháu còn nhiều môn học phải vượt qua trước khi vào lớp 1.

Báo China Daily số ra mới đây từng nhận định, trong một hệ thống giáo dục mà lúc nào cũng xoay quanh hàng loạt các kỳ thi phân loại để chen chân vào những ngôi trường danh tiếng nhất, để giành được những việc làm tốt nhất, thì sự nâng đỡ được lên kế hoạch cẩn thận ngay từ những năm đầu đời là cần thiết đối với cha mẹ, để đảm bảo tương lai con trẻ không bị tụt lại phía sau. Nếu được lựa chọn, đa số các bậc phụ huynh sẽ nói rằng, họ chấp nhận đầu tư hết thời gian và công sức để cho con họ thông minh hơn là để cho chúng khỏe mạnh hoặc ngoan ngoãn.

Đối với hầu hết mọi người, không có cách nào tốt hơn để giúp một đứa trẻ thông minh hơn bằng cách bắt chúng học sớm, học nhiều và học cật lực. Điều này đã lý giải hình ảnh mà ở nhiều gia đình thành thị, những đứa trẻ 5 tuổi luôn bị bắt viết chữ và làm toán trong nhiều giờ sau khi từ nhà trẻ về.

Nhưng đó là những hình ảnh mà giới chức ngành giáo dục Trung Quốc không muốn tồn tại nữa. Mục tiêu của dự thảo vừa được công bố nhằm tạo cho trẻ một cuộc sống ít căng thẳng và muốn gióng lên hồi chuông làm thức tỉnh các bậc cha mẹ quá tích cực chạy theo trào lưu mang phạm vi quốc gia là lo sự nghiệp cho con từ những năm đầu đời. 

KHÁNH HƯNG
(từ Bắc Kinh)

Tin cùng chuyên mục