Sự mặc cả lớn

Tuần trăng mật ngắn ngủi của Thủ tướng Anh David Cameron đã kết thúc ngay sau chiến thắng áp đảo bất ngờ của đảng Bảo thủ tại cuộc tổng tuyển cử ngày 7-5. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ ngay lập tức đã yêu cầu ông Cameron thảo luận lại các điều khoản thành viên EU. Ông Cameron từng cam kết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 về việc nước Anh có tiếp tục ở trong EU hay không. Tờ Independent dẫn lời các nghị sĩ đảng Bảo thủ cho biết họ đã thúc ép Thủ tướng Cameron đạt một thỏa thuận mới của EU về cải cách thể chế EU và cảnh báo rằng nước Anh sẵn sàng rời khỏi khối 28 quốc gia EU trong năm 2017 nếu các yêu sách của Anh với EU không được đáp ứng.

Như vậy, dù muốn hay không, ông Cameron phải đối mặt với sức ép không nhỏ ngay từ các thành viên trong đảng Bảo thủ của ông. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Kênh 4 truyền hình Anh ngày 7-5, ông Cameron cho biết ông đã gọi điện đến các nhà lãnh đạo châu Âu để nói thẳng về việc Anh muốn khởi động nhanh các cuộc đàm phán về việc cải cách EU. Tuy vậy, theo nghị sĩ đảng Bảo thủ Peter Bone thuộc trường phái xa rời EU thì ông Cameron sẽ thương lượng rất tốt với các nhà lãnh đạo trong EU nhưng ông ấy sẽ không đạt được điều mà người dân Anh muốn vì khác biệt quá lớn giữa Anh và các thành viên khác trong EU. Vì vậy, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang sẵn sàng vận động để đưa Anh ra khỏi EU.

Nếu các đảng nhỏ tại Anh trước cuộc bầu cử thường công khai lấy vấn đề chống dân nhập cư làm phương châm vận động tranh cử thì đảng Bảo thủ cũng đã khéo léo cài vấn đề này vào chính sách đổi mới EU. Thủ tướng Cameron muốn EU thay đổi các điều lệ theo đó đảm bảo không để các công dân EU tới Anh dễ dàng để hưởng hệ thống phúc lợi tại đây. Thay vào đó, các công dân từ nhiều nơi khác của EU tới Anh định cư sau 4 năm mới được hưởng hệ thống phúc lợi. Như vậy, nếu các nhà lãnh đạo EU chấp nhận sự mặc cả của EU để đổi lấy việc Anh ở lại EU cũng sẽ tương đương với việc tạo cho Anh vị thế ưu tiên so với các thành viên còn lại. Điều này sẽ khó có thể được nhiều thành viên khác trong EU chấp thuận vì chẳng khác nào công dân Anh sẽ trở thành công dân hạng nhất của EU.

Nguy hiểm hơn, theo tờ Teleghaph, nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh năm 2017 ủng hộ đưa Anh khỏi EU, điều đó sẽ kích hoạt nhu cầu bỏ phiếu lần thứ hai trưng cầu dân ý độc lập của Scotland khỏi Anh. Tờ báo này viết: “Tất nhiên ông Cameron sẽ không muốn được nhớ tới là vị Thủ tướng lãnh đạo Anh rời khỏi EU và dẫn đến sự tan rã của Vương quốc Anh”. Nếu Anh muốn rời khỏi EU thì Scotland cũng có quyền mong muốn rời khỏi Anh. Nếu Anh muốn có thêm nhiều quyền hơn trong EU thì người dân Scotland cũng muốn như vậy với Anh.

Thử thách sắp tới càng lớn hơn khi có đến 56/59 ghế dành cho Scotland trong Quốc hội Anh thuộc về đảng Quốc gia Scotland (SNP) - đảng chủ trương tách Scotland khỏi Anh. Trước mắt, SNP đang làm áp lực buộc Chính phủ của Thủ tướng Cameron phải trao thêm quyền cho Scotland như vấn đề thuế, mức lương và bảo hiểm. Các nghị sĩ SNP giờ đây sẽ được tự do đàm phán với chính phủ của của ông Cameron khi SNP là lực lượng đông thứ ba tại quốc hội Anh sau đảng Bảo thủ và Công đảng.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục