Su su rớt giá, người trồng lao đao

Những ngày này, người dân vùng trồng cây su su (su le) chuyên canh lớn nhất Nghệ An đang lao đao vì giá rớt thảm hại, chỉ còn 300 đồng/kg.
Su su rớt giá, người trồng lao đao

(SGGPO).- Những ngày này, người dân vùng trồng cây su su (su le) chuyên canh lớn nhất Nghệ An đang lao đao vì giá rớt thảm hại, chỉ còn 300 đồng/kg.

Hàng trăm hộ dân trồng su su ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) đã phải phá bỏ, lấy quả cho trâu bò ăn, thậm chí ủ làm phân bón, nhiều hộ không buồn thu hoạch để quả rụng khắp vườn.

Người dân xã Quỳnh Liên phá bỏ vườn su su hoặc để quả rụng, không thu hoạch.

Người dân xã Quỳnh Liên vốn bao đời có nghề trồng rau củ nổi tiếng, nhiều mặt hàng rau củ trong đó có quả su su nổi tiếng không chỉ ở Nghệ An mà cả Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Vụ Đông năm 2016 xã Quỳnh Liên có hơn 300 hộ dân trồng su su với diện tích lên tới trên 80 ha. Su su được trồng từ tháng 8 hàng năm và cho thu hoạch vào khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Đây được xem là một trong những loại cây nông nghiệp chủ lực, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân nơi đây.

Tuy nhiên, năm nay do thời tiết thuận lợi, nhiều loại rau củ được mùa, nên loại quả này không được giá là bao. Ngay từ đầu mùa, nông dân xã Quỳnh Liên vẫn bán được 5.000đ-7000đ/kg, nhưng từ sau Tết Đinh Dậu đến nay giá loại quả này bắt đầu giảm đến thảm hại. Hiện tại, giá thu mua tại vườn chỉ còn 300 đồng/kg, tức 3.000đ/ yến, 30.000đ/1 tạ.

Anh Lê Văn Thắng ở xóm 9 (xã Quỳnh Liên) buồn rầu tâm sự: “Năm nay gia đình tôi trồng hơn 3 sào su su, đầu tư hơn 30 triệu đồng. Đến khi cây su su cho thu hoạch thì giá quả giảm đến thảm hại. Giờ chỉ còn 300 đồng/kg. Các chú tính, công hái cũng đã quá tiền bán thì thử hỏi thu hoạch làm gì. Giờ chỉ mong có thương lái ở các tỉnh đến thu mua, chứ nhìn giàn su su trĩu quả mà chỉ để cho bò, dê ăn thì tiếc đứt ruột. Chắc chắn mùa su su năm nay gia đình tôi không thu được vốn, năm sau tôi không trồng loại cây này nữa”.

Hàng tấn su su ở Quỳnh Liên chờ thương lái đến thu mua.

Ông Hồ Ngọc Tăng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết, do năm nay thời tiết khá thuận lợi, các loại rau quả phát triển tốt, những vùng khác su su cũng được mùa nên dẫn đến cung vượt quá cầu. Tuy vậy, hiện tại mỗi ngày người dân xã Quỳnh Liên vẫn xuất khoảng gần 100 tấn ra Hà Nội, ngoài ra còn nhập cho một số thương lái ở các tỉnh miền trong như: Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng…, tuy vậy đầu ra vẫn không được là bao.

Ông Tăng phân tích: “Cây su su là cây trồng chủ lực vụ Đông của xã nhiều năm liền đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Nhưng, cũng giống như năm ngoái, năm nay ra Tết Nguyên Đán là quả su su rớt giá, khiến nhiều hộ nông dân ở địa phương trắng tay. Sắp tới, chính quyền sẽ định hướng cho bà con nông dân trồng theo quy hoạch để tránh tình trạng cung vượt quá cầu, đồng thời chúng tôi đang trong quá trình xây dựng thương hiệu rau sạch cho su su để nâng cao giá trị sản phẩm...”.

Anh Lê Văn Thắng buồn rầu bên vườn su su chỉ để cho bò, dê ăn.

Về hướng hỗ trợ cho nông dân khi su su rớt giá, ông Lê Công Thụ, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hoàng Mai cho hay: “Vấn đề quả su su rớt giá chúng tôi đã nắm bắt được, tuy nhiên do kính phí của Hội còn hạn chế nên không thể giúp đỡ nông dân được. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu cho chính quyền quy hoạch lại diện tích trồng cây su su để làm sao người nông dân ở đây có thu nhập ổn định”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết, sắp tới sẽ chỉ đạo Hội Nông dân thị xã Hoàng Mai quy hoạch lại diện tích trồng cây su su, đồng thời tổ chức hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp. Liên kết từ khâu trồng, phân bón cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho bà con, như vậy mới tránh được trường hợp nông dân bị thương lái ép giá. Hiện tại nhà nước không có chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân về vấn đề này, tuy nhiên, về lâu dài Hội sẽ nghiên cứu, định hướng làm sao cho người nông dân khi trồng một sản phẩm nông nghiệp đến mùa thu hoạch không bị rớt giá thảm như quả su su.


       Duy Cường

Tin cùng chuyên mục