Là một quốc gia có bề dày truyền thống thành tích ở các kỳ SEA Games, lý ra Thái Lan nên tự hào với những gì họ đã và đang làm được. Dù vậy, một số quan chức của nước này lại… dần trở nên không hài lòng với cái cung cách tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á theo kiểu “rất đặc trưng” của các nước chủ nhà, đặc biệt là ở SEA Games 26 tại Indonesia này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Thái Lan (NOCT) - ông Charoen Wattanasin - cho biết: “Việc tổ chức đại hội ở 2 thành phố khác nhau đi ngược lại với tiêu chí của SEA Games: vốn thúc đẩy sự sát cánh cùng nhau giữa các VĐV thể thao đến tham dự. Và điều tồi tệ nhất là cả 2 thành phố chủ nhà dường như đều chưa sẵn sàng cho SEA Games, với hệ thống truyền thông nghèo nàn và sự phối hợp kém cỏi giữa Jakarta và Palembang”. Sau câu chỉ trích này, ông Wattanasin còn “nâng tầm quan điểm” của mình khi cho rằng đây là kết quả của sự can thiệp từ các chính trị gia, những người chỉ muốn tìm kiếm lợi ích riêng (!?).
Ông Wattanasin cũng là một thành viên của Hội đồng SEA Games, vì thế, những ý kiến của ông sẽ khiến cho nhiều người phải suy nghĩ. Ông Wattanasin nói thẳng rằng các kỳ đại hội thể thao tổ chức 2 năm một lần của khu vực Đông Nam Á này đang dần trở nên kém hấp dẫn bởi vì mỗi quốc gia chủ nhà đều chỉ muốn thắng càng nhiều HCV càng tốt bằng cách… đưa thêm vào chương trình thi đấu những môn thi mang tính làng, xã địa phương. Hãy thử so sánh các con số - trong khi Olympic, với khoảng 200 quốc gia thành viên, tổ chức 4 năm một lần với chỉ khoảng 28 môn đấu thì SEA Games lần này lại có đến 542 tấm HCV thuộc 43 môn thi khác nhau, trong khi chỉ có 11 quốc gia thành viên. “Việc tổ chức thêm quá nhiều môn thể thao truyền thống đang gây nguy hại cho SEA Games, ông Wattanasin khẳng định. Thậm chí, ông không hề tỏ ra thiên vị khi nói thẳng rằng Thái Lan cũng… chẳng có gì hơn các quốc gia chủ nhà khác – lúc tổ chức kỳ SEA Games 2007 tại Nakhon Ratchasima…
Tổng Thư ký của Liên đoàn điền kinh nghiệp dư Thái Lan - ông Surapong Ariyamongkol - cũng đồng ý với quan điểm của ông Wattanasin: “Một số môn thể thao địa phương chẳng khác gì rác rưởi và việc thúc đẩy phát triển các môn này sẽ làm lãng phí rất nhiều tiền của. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại chi ra quá nhiều tiền vào những môn thể thao này”. Tuy nhiên, ông Ariyamongkol cũng thừa nhận rằng có một số môn thể thao mang tính địa phương rất thú vị và có một tương lai tươi sáng trong việc phát triển ra đấu trường quốc tế ví dụ như môn cầu mây, hiện đã được xem như là một môn thể thao chính thức ở các kỳ Asian Games. Ở SEA Games lần này, trong khi Indonesia đề ra mục tiêu thắng từ 120 HCV đến 160 HCV, thì một quan chức thể thao Thái Lan khác - ông Kanokphand Chulakasem - cho biết: “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là 120 HCV, nhưng chúng tôi đã hạ xuống mức từ 110 HCV đến 115 HCV. Chúng tôi tập trung vào các môn đấu Olympic”. Câu cuối cùng mới thật sự có ý nghĩa khi mà cả Đông Nam Á gần như… đổ xô vào việc tìm kiếm thật nhiều HCV!
HOÀNG PHONG