Quan hệ Nga-Mỹ mấy ngày này lại trở nên ngột ngạt sau vụ ăn miếng trả miếng giữa 2 bên liên quan đến đạo luật Magnitsky của Mỹ. Ngày 13-4, Mátxcơva cấm 18 quan chức của Mỹ nhập cảnh vào Nga, một ngày sau khi Washington công bố danh sách 18 quan chức Nga không được đến Mỹ mà họ cho rằng liên quan đến cái chết trong tù của luật sư Nga Sergei Magnitsky khi ông này đang bị giam giữ với tội danh tiết lộ bí mật quốc gia của Nga cho phía Mỹ. Dmitri Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, tuyên bố việc làm của Mỹ là một đòn giáng mạnh vào quan hệ 2 nước.
Lâu nay, Mátxcơva và Washington luôn ở trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi bất đồng trong nhiều vấn đề từ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu, việc Mỹ thường xuyên can thiệp vào nội bộ nước Nga, vào các cuộc bầu cử năm ngoái của nước này, cho đến vấn đề Syria. Tuy nhiên, điều đáng nói, thời điểm Mỹ công bố danh sách đen lại trùng với thời gian Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có chuyến công du lần đầu tiên tới Bắc Kinh. Trong cuộc hội kiến với tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông John Kerry đã bàn chuyện thúc đẩy quan hệ 2 nước, cùng nhau hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế. Hai cách tiếp cận khác nhau đối với Nga và Trung Quốc trong bối cảnh Mátxcơva và Bắc Kinh đang xích lại gần nhau khiến người ta đặt dấu hỏi về động cơ của Mỹ.
Mỹ lần đầu tiên “tranh thủ” Trung Quốc khi cho rằng chỉ có Trung Quốc mới có thể “khuyên bảo” CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên). Trong khi trước đó 2 ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn bắt tay đồng ý với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng Triều Tiên phải tuân thủ các nghị quyết HĐBA LHQ và cho biết Nga cũng đang tham vấn kín với các bên về một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Vậy mà lần này Mỹ không hề công khai nhìn nhận vai trò của Nga trong vấn đề Triều Tiên.
Sau khi nhậm chức, giống người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình đã chọn Nga là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Ngoài những vấn đề hợp tác kinh tế, có tiếng nói chung trong những vấn đề quốc tế, điều được xem là tối quan trọng trong mối quan hệ Nga-Trung đã được thể hiện qua bài phát phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Mátxcơva. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh mối quan hệ Nga-Trung góp phần “đảm bảo sự cân bằng cho thế giới”. Mạng tin Asia Times nhận định Trung Quốc siết chặt quan hệ với Nga không ngoài lý do nào khác là để tạo thế đối trọng với Mỹ. Sau khi Mỹ đưa ra chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á, Trung Quốc đã tuyên bố rằng mục đích chính của Mỹ là nhắm tới Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc. Vì vậy, khi Trung Quốc có mối quan hệ tốt với Nga và nhận được sự ủng hộ của Nga, Washington khó có thể tự do hành động ở khu vực châu Á cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới.
Chính vì vậy, không ít người nghi ngờ cách tiếp cận của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc trong 2 sự kiện vừa qua là một sự tình cờ có sắp đặt, giống như một đòn ly gián nhằm phá vỡ mối liên kết Nga-Trung, khiến thế đối trọng của Mỹ suy yếu. Bởi tham vọng về một thế giới đơn cực vẫn còn đó trong toan tính của Washington.
ĐỖ CAO