Sự trở lại của kịch hình sự

Sau những ồn ã của loại kịch hài, kịch ma…, gần đây một số sân khấu kịch đang chuyển hướng đề tài vào loại kịch hình sự. Bên cạnh việc khai thác những yếu tố ly kỳ của vụ án, các vở diễn cũng thể hiện được phần nào các vấn đề nóng của xã hội đương đại đang được khán giả quan tâm.
Sự trở lại của kịch hình sự

Sau những ồn ã của loại kịch hài, kịch ma…, gần đây một số sân khấu kịch đang chuyển hướng đề tài vào loại kịch hình sự. Bên cạnh việc khai thác những yếu tố ly kỳ của vụ án, các vở diễn cũng thể hiện được phần nào các vấn đề nóng của xã hội đương đại đang được khán giả quan tâm.

Một cảnh trong vở kịch hình sự Kẻ máu lạnh của Sân khấu kịch Sao Minh Béo.

Thể loại hình sự lại ăn khách

Chỉ trong một thời gian ngắn, các sân khấu kịch phía Nam đã giới thiệu hàng loạt vở diễn mới tập trung khai thác thể loại hình sự - hài, hình sự - tâm lý xã hội qua các vở diễn như Phía sau tội ác (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ), Tử hình (Sân khấu kịch Sài Gòn), Kỳ án 292, Tầng 13 (Sân khấu kịch Hồng Vân), Kẻ máu lạnh (Sân khấu kịch Sao Minh Béo)…

Sân khấu phía Bắc cũng không kém với các vở kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ như Thủ phạm là ai (kịch bản: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSƯT Chí Trung), Tấm gương (kịch bản: Chu Thơm, đạo diễn: NSƯT Anh Tú) và Công lý không thể gục ngã (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang). Nhà hát kịch Việt Nam từng đình đám với vở Nhân danh công lý (kịch bản: Võ Khắc Nghiêm - NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang - NSƯT Đỗ Kỷ) nay lại có vở mới đang dàn dựng Trong mưa giông thấy nắng (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn NSƯT Anh Tú)…

Thật ra, thể loại hình sự không phải mới mẻ vì nhiều năm trước một số vở kịch về đề tài hình sự của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ như Trái tim trong trắng, Quyền được hạnh phúc, Điều không thể mất… từng làm nức lòng giới mộ điệu. Liệu sự trở lại này có thay thể được thể loại kịch kinh dị vốn đang là “đế chế” giúp phòng vé ăn nên làm ra ở hầu hết các sân khấu kịch TPHCM?

Phản ánh chân thực hơn

Điều dễ dàng nhận thấy là ở thể loại kịch này hầu như các nhà biên kịch - đạo diễn đều khai thác từ những câu chuyện đang xảy trong xã hội hiện tại. Như vở Phía sau tội ác (kịch bản: Lê Chí Trung - Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Nguyễn Thành Chánh Trực) đề cập đến nạn trộm chó ở làng quê Bắc bộ, vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong đời sống, liên quan đến nhiều vụ án, kể cả án mạng. Vở Kẻ máu lạnh (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Minh Béo) “ăn theo” những vụ án mạng đang xảy ra trong xã hội gần đây.

Vở Tử hình (kịch bản: Đăng Minh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) bám theo vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Bản thân câu chuyện này khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã được thể hiện đầy đủ các chi tiết và đầy kịch tính. Các nhà biên kịch và đạo diễn vì thế không quá khó để có thể chuyển tải câu chuyện này lên sân khấu. Và nếu được thể hiện uyển chuyển, khéo léo, đây sẽ là một vở diễn mang đậm tính hiện thực xã hội và giàu tính nhân văn…

Không tập trung khai thác các yếu tố ma mị, huyền ảo, tâm linh… của thể loại kịch kinh dị để “hù dọa” khán giả sợ hãi, vở diễn đậm dấu ấn hình sự Tử hình lôi cuốn ở yếu tố xoay đảo tình huống làm khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nghệ sĩ Mạnh Tràng cho biết, vở Tử hình từng sáng đèn 9 suất/tuần (Sân khấu kịch Sài Gòn diễn suốt 7 ngày trong tuần, riêng tối cuối tuần gồm 2 suất). Còn vở Kẻ máu lạnh sau khi được dàn dựng, không chỉ diễn tại sân khấu Minh Béo mà còn tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an năm 2014.

Sự trở lại của một dòng kịch từng được yêu thích nay tiếp tục được khán giả ủng hộ và đón nhận qua các suất diễn đều đông khán giả là một dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, với thể loại này, một số vở kịch lại mô tả quá chi tiết hành vi phạm tội nhằm câu khách, gây phản cảm. Có vở diễn lại lặp lại chính mình khi dùng lại các “chiêu trò” của thể loại kịch kinh dị, kịch ma, lạm dụng yếu tố tâm linh. Có vở kịch bản còn mỏng, thiếu đột phá, câu chuyện đơn điệu, giáo điều khô khan…

Tất cả những yếu tố trên rất cần sự tỉnh táo, những ý kiến đóng góp xác đáng của Hội đồng nghệ thuật ngay từ khi diễn phúc khảo, để góp phần hoàn thiện thêm cho từng vở diễn thuộc thể loại này.

DẠ QUANG

Tin cùng chuyên mục