Sự trở lại của truyền thống

Mùa giải 2023 của V-League đánh dấu sự trở lại của cái tên Công an Hà Nội, đội bóng từng được xem là đại diện ưu tú của bóng đá thủ đô. Như vậy là tròn 20 năm kể từ khi “mất tên”…

Năm 2002, Công an Hà Nội chính thức đổi tên thành Hàng không Việt Nam và chỉ chơi V-League đúng một mùa trước khi chuyển sang tên mới là Hà Nội ACB. Dù chưa từng vô địch Việt Nam, nhưng Công an Hà Nội luôn được xem là đội bóng có cá tính bậc nhất của bóng đá Việt Nam, với những cái tên Vũ Minh Hiếu, Tuấn Thành…

Họ từng cùng Thể Công tạo ra “derby thủ đô” vô cùng hấp dẫn và quyết liệt, dù về bản chất, Thể Công mang yếu tố toàn quốc chứ không phải là đội bóng Hà Nội. Công an Hà Nội không còn, nhưng hệ thống đào tạo từng tạo ra các danh thủ của họ sau này chính là nơi cung cấp nhân lực cho Hà Nội FC của bầu Hiển.

Sau khi thăng hạng V-League, đội Công an Nhân dân chính thức đổi tên thành Công an Hà Nội để thi đấu mùa giải 2023. Sự trở lại này khiến V-League 2023 trở thành nơi “hẹn hò” của nhiều đội bóng có bề dày truyền thống. Trong tổng số 14 CLB dự tranh, chỉ duy nhất Hà Tĩnh là cái tên có ít liên hệ với

quá khứ nhất.

Cũng không có gì bất ngờ. Năm 2019, Viettel chính là sự trở lại đáng kể đầu tiên vì họ được xem là “hậu duệ” của Thể Công - CLB Quân đội ngày trước vốn “biến mất” hồi năm 2009. Sau đó, đến lượt Bình Định trở lại từ khi xuống hạng năm 2008. Bên cạnh Công an Hà Nội, một tên tuổi cũ khác cũng vừa thăng hạng là Khánh Hòa, đội từng chuyển giao suất chuyên nghiệp cho Hải Phòng hồi năm 2014 để giải thể. Như vậy, trong 4 năm, không có cái tên nào mới xuất hiện mà chỉ là các gương mặt cũ.

Sự trở lại của các giá trị truyền thống được xem là tín hiệu vui, nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít trăn trở cho quá trình phát triển bóng đá Việt Nam. Tròn 20 năm từ khi V-League ra đời, số lượng các CLB vẫn chưa tăng lên và nhất là số địa phương phát triển bóng đá cũng không cải thiện.

Hà Nội hiện có 3 đội; nếu tính từ Nghệ An ra phía Bắc thì có 8 trong tổng số 14 đội chỉ trong đường kính 300km. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng vậy, có đến 4 đội trong khi từ Bình Thuận đổ vào Cà Mau chỉ có 2 đại diện là TPHCM và Bình Dương. Trong 20 năm phát triển chuyên nghiệp, nhưng tính ra chỉ có 1 vùng đất mới làm bóng đá đỉnh cao là Gia Lai; còn Hà Tĩnh ngày trước từng ghép chung tên Sông Lam Nghệ Tĩnh nên cũng được xem là có truyền thống.

Tin cùng chuyên mục