Sữa hay… bột sắn

Những ngày gần đây, dư luận thêm một lần nữa bị “sốc” trước thông tin cả chục loại sữa đang lưu hành trên thị trường bị “ăn bớt” độ đạm, chất béo. Điều đó đồng nghĩa sữa không đảm bảo chất lượng như tiêu chuẩn công bố mặc dù trên nhãn mác của các loại sữa, doanh nghiệp “ba hoa” rằng “sữa dinh dưỡng cho người gầy, cho trẻ em…”.

Người ta vẫn luôn tin tưởng rằng sữa sẽ mang lại sức khỏe tốt hơn và đối tượng dùng sữa chủ yếu cũng là những người lớn tuổi, trẻ em vốn dĩ sức khỏe không được tốt, cần có sữa để cải thiện. Nói như ông Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, thì hóa ra uống sữa cho sức khỏe tốt mà chẳng khác nào uống bột sắn…

Qua đó để thấy rằng, việc quảng cáo, quảng bá tiêu chuẩn chất lượng trên nhãn mác của các loại sữa mà Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa phát hiện chỉ là “một tấc tới trời” và đã khiến không ít người tiêu dùng bị lừa. Và hơn nữa cũng cho thấy những lỗ hổng mà các cơ quan kiểm soát chưa bịt được khiến nhiều doanh nghiệp vẫn còn cơ hội “buôn gian, bán lận”. Cụ thể ở đây là các cơ quan y tế, quản lý thị trường đã không có những biện pháp căn cơ, đủ mạnh để giám sát việc sản xuất, kinh doanh sữa.

Xin nhắc lại rằng, từ đầu năm 2009, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (phía Nam) đã từng công bố hàng chục mẫu sữa cũng bị thiếu độ đạm được bán nhan nhản trên các chợ, siêu thị. Sau đó là một cuộc rầm rộ thanh kiểm tra, tịch thu nhiều loại sữa không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, ngoài việc xử lý hành chính vài triệu đồng, buộc thu hồi sản phẩm kém chất lượng… thì hầu như chẳng có doanh nghiệp nào bị rút giấy phép kinh doanh hay bị truy tố hình sự, mặc dù sản phẩm của họ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.

Có nghĩa là những biện pháp xử lý vẫn chỉ còn mang tính hình thức là chính, nên những doanh nghiệp như Chi nhánh Công ty TNHH SX-TM Hương Khánh ở quận Tân Phú, Công ty TNHH SX-TM Vân An ở huyện Củ Chi, Công ty TNHH Thực phẩm Việt Ý ở P.Tân Thới Hòa, Q. Tân Phú… mà bị cơ quan chức năng vừa phát hiện vẫn còn “đất sống” để cho ra những sản phẩm sữa thiếu chất béo, độ đạm. Ở đây không thể rao giảng mãi ý thức, đạo đức của doanh nghiệp nữa bởi điều đó ai cũng hiểu và ai cũng biết rồi, với lợi nhuận bạc tỷ thì việc có bị cơ quan chức năng xử phạt vài triệu đồng cũng chẳng đủ… gãi ngứa và cũng quên luôn cái “khoản” đạo đức.

Do vậy, điểm tựa còn lại chỉ có sự giám sát của các cơ quan công quyền, là Sở Y tế, là quản lý thị trường. Và trên hết là những biện pháp chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp vi phạm không tái phạm và cũng để những doanh nghiệp khác nhìn vào mà làm gương.

Thiết nghĩ, hiện các cơ quan chức năng đã gần như bất lực trước nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mà sữa thiếu độ đạm, chất béo là một ví dụ. Người tiêu dùng nên sáng suốt  lựa chọn sản phẩm. Mặt khác, ngay chính các đại lý, các chợ, siêu thị cũng phải “nói không” với những sản phẩm kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh.

Có vậy mới mong hạn chế những loại sữa mà chất lượng chẳng khác nào… bột sắn.

Quỳnh Chi

Tin cùng chuyên mục