Sau Tết Nguyên đán 1 tháng, dù sức mua trên thị trường đang trong giai đoạn thấp điểm, nhưng nhóm sản phẩm sữa và hóa mỹ phẩm lại bắt đầu bước vào đợt tăng giá mới cho năm 2012. Nhà sản xuất cố tìm lý do tăng giá để thuyết phục cơ quan chức năng, lẫn nhà phân phối và người tiêu dùng.
Đổi mẫu mã để tăng giá
Từ ngày 1-3, hơn 20 loại sản phẩm gồm nước xả vải hương thơm, dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt của một số tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu bắt đầu áp dụng giá mới. Theo đó, hàng của tập đoàn đa quốc gia tăng giá khoảng 5%-7% và hàng nhập khẩu tăng 5%-10% tùy loại.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark, cho biết: “Theo thông báo của nhà sản xuất thì họ tăng giá là vì nhà cung cấp tung ra đợt hàng mới, với mẫu mã bao bì - mùi hương - nguyên liệu bổ sung thành phần… mới”.
Cũng theo bà Thảo, các tập đoàn lớn không bao giờ tăng giá ồ ạt cho cả một dãy sản phẩm, mà họ chia nhỏ từng đợt cách nhau một vài tuần, mỗi lần tăng chỉ 1 - 2 nhãn hàng, vì thế cứ theo chu kỳ tung sản phẩm mới thì sắp tới còn nhiều mặt hàng nữa sẽ tăng giá. Theo ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc Siêu thị Citimart, đợt tăng giá diễn ra trong tháng 3, có ngày Quốc tế Phụ nữ, nên đi kèm với hàng mới - giá mới là chương trình khuyến mãi với nhiều hình thức như quà tặng kèm, giảm giá, bốc thăm may mắn… nên người tiêu dùng không nhớ giá cũ, cũng khó nhận ra đã có mức giá mới.
Ở nhóm các mặt hàng sữa, những công ty trong và ngoài nước đang chiếm thị phần áp đảo trên thị trường cũng đã lần lượt tăng giá. Cụ thể từ 1-3, hãng Nestlé sẽ tăng giá bán 12% đối với mặt hàng sữa bột Nan HA NWHB 019-4.
Trước đó, ngày 13-2, Công ty FrieslandCampina Việt Nam tăng giá 5% một số sản phẩm sữa nước và sữa đặc có đường nhãn hiệu Cô Gái Hà Lan. Cũng trong ngày 13-2, Công ty Fonterra Brands Việt Nam tăng 5%-10% giá sản phẩm sữa Anlene bột, Anlene đậm đặc, Anmum Materna.
Ngay trong mùng 1 Tết Nhâm Thìn (tức ngày 23-1-2012), Công ty Vinamilk tăng giá bán 5%-7% đối với một số loại sữa… Tính chung trong vòng 3 tháng qua (từ tháng 11-2011), đã có hơn 80 dòng sản phẩm sữa tăng giá. Hầu hết, các công ty, khi tăng giá sữa đều đưa ra lý do tương tự nhau, mà theo ông Trần Quốc Huân, Phó Tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, do giá các loại nguyên liệu sữa tăng 8%-22%, dầu diesel tăng 36%, chi phí nhân lực tăng 11%, giá điện tăng 5%…
Liên kết để chặn tăng giá
Ông Ngô Văn Hải cho rằng, việc tăng giá hóa mỹ phẩm ở giai đoạn hiện nay là bất hợp lý, vì sức mua đang chậm, giá nguyên phụ liệu các loại chưa có dấu hiệu tăng đột biến. “Biết thế, nhưng nhà kinh doanh phân phối như siêu thị không thể làm gì khác vì các tập đoàn đa quốc gia chỉ gửi thư thông báo, nếu mình không đồng ý, không chấp nhận lấy hàng thì họ không giao. Thị trường của các tập đoàn này rộng lớn, giảm đi một hệ thống siêu thị phân phối không làm họ lo lắng…”, ông Hải nói. Chính vì vậy, theo ông Hải: “Cần phải có sự liên kết của các nhà kinh doanh siêu thị, hiệp hội các siêu thị, tạo lập tiếng nói chung đủ mạnh để phản ứng lại các trường hợp tăng giá bất hợp lý từ các công ty, tập đoàn lớn”.
Trong hàng loạt các nhãn sữa tăng giá, chỉ có hai dòng sữa PRE NAN BNW026-1 12 dành cho trẻ sơ sinh thiếu tháng và NAN AL 110 DS082-4 12 dành cho trẻ bị tiêu chảy của Công ty Nestlé Việt Nam không được phép tăng giá, do không chứng minh được giá nhập khẩu đầu vào tăng. Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại của Nestlé Việt Nam, cho biết: với PRE NAN B NW026-1 12 và NAN AL 110 DS082-4 12, do 2 loại sữa đặc biệt, nên khối lượng bán ra quá ít, mà chi phí để thuê chuyên viên cao cấp (bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng…), chi phí vận hành kinh doanh quá cao, nên chúng tôi mới đề nghị được tăng giá bán. Còn với mặt hàng sữa bột Nan HA NWHB 019-4, do chứng minh được giá nhập khẩu sữa tăng 25%, dẫn đến giá vốn nhập khẩu tăng 16%, nên Nestlé được phép tăng giá.
Theo một doanh nghiệp kinh doanh sữa có trụ sở tại TPHCM, việc tăng giá là để bảo toàn lợi nhuận, nên doanh nghiệp tìm cách để chứng minh chi phí tăng không khó, như tăng giá nhập nguyên liệu ngay từ công ty mẹ ở nước ngoài… Do vậy, việc kiểm soát giá cần phải thực hiện trên quy mô rộng hơn, như việc liên kết hàng rào thuế quan trong khối ASEAN, hoặc tính giá sữa theo mức bình quân toàn cầu rồi sau đó cộng - trừ chi phí khác theo từng loại dựa trên giá chất cộng thêm vào, dựa trên chi phí riêng ở từng quốc gia... Chỉ như vậy mới có thể chặn được những đợt tăng giá bất hợp lý, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thúy Hải – Thảo Nga