Sức ép lãi suất cho vay

Lãi suất tiền gửi tăng mạnh thời gian qua đã kéo lãi suất cho vay tăng thêm 3%-4%/năm so với cùng kỳ năm trước. Trước áp lực tỷ giá USD/VND ngày càng tăng, lãi suất tiền gửi vẫn chưa hạ nhiệt, sức ép lãi suất cho vay trong các tháng cao điểm cuối năm còn lớn. 
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: Minh Huy
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: Minh Huy

Hút tiền gửi, “giữ” thanh khoản

Mặc dù lãi suất huy động trên thị trường hiện không còn mức 11%/năm nhưng cuộc đua vẫn chưa dừng. Không chỉ cạnh tranh huy động có kỳ hạn với mức lãi suất 8%-9%/năm, cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay đã xuất hiện ở cả lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá căng thẳng nên các NHTM buộc phải tăng lãi suất hút tiền vào nhằm đảm bảo thanh khoản. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, huy động vốn trong 9 tháng đầu năm chỉ bằng khoảng 1/3 cho vay (huy động tăng hơn 4% nhưng cho vay tăng gần 11%). Báo cáo tài chính quý 3-2022 của các NHTM cũng thể hiện, nhiều ngân hàng có tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) đã vượt trần cho phép 85%. 

Thời gian qua, NHNN đã tăng lãi suất điều hành 2 lần trong vòng hơn 1 tháng, tổng cộng mức tăng 2%, nhằm giúp các NHTM tăng huy động vốn với lãi suất cao để đảm bảo thanh khoản, nhưng dường như vẫn chưa thể giải tỏa sự căng thẳng này. Lãnh đạo một NHTM cho biết, mặc dù thanh khoản ngân hàng không thiếu nhưng vẫn phải tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền nhằm “phòng thủ”, nhất là khi cuộc đua lãi suất trên thị trường đang “nóng”. Bên cạnh đó, dù tăng lãi suất nhưng huy động vốn vẫn khó do NHNN hút tiền đồng về qua kênh tín phiếu. Đồng thời, hạn mức tín dụng hạn hẹp nên người dân và doanh nghiệp buộc phải sử dụng vốn tự có cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, từ đó giảm gửi tiền vào ngân hàng. Ngoài ra, “sự cố” trái phiếu thời gian qua cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng. 

Các nhà phân tích tài chính dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng. Thanh khoản thị trường sẽ chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng; nhu cầu tiền mặt tăng cao tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Lãi suất cho vay tăng 

NHNN tăng lãi suất điều hành và nâng biên độ tỷ giá USD/VND khiến lãi suất cho vay tăng theo, tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh. Chi phí đầu vào tăng, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay để đảm bảo lợi nhuận trong kinh doanh. Hiện mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực ưu tiên đã tăng thêm 3%-4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng cho vay trong khoảng 9%-11%/năm, tùy từng nhóm khách hàng và mục tiêu vay vốn. Thậm chí, không ít doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất gần 13%/năm. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 6 lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm nay lên mức 3,75%-4%/năm, dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, thì việc NHNN tăng lãi suất điều hành là hợp lý. Các chuyên gia tài chính cũng nhận định, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất đồng USD, tỷ giá USD/VND sẽ biến động theo.

Để kìm mức độ mất giá của VND, cơ quan quản lý có thể dùng dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất điều hành cũng đã được tăng trong tháng 9 và tháng 10-2022, dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng an toàn là 3 tuần nhập khẩu do NHNN đã bán một lượng ngoại tệ đáng kể từ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong nước. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tỷ giá và lãi suất đang là một vòng xoáy. Do đó, NHNN có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5%-1% lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm, vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá. Và khi đó, áp lực lãi vay cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới. 

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhận xét, NHNN tăng lãi suất để giữ chân dòng vốn ngoại, vừa để đảm bảo thanh khoản hệ thống. Vì lãi suất quá thấp, ngân hàng không huy động được vốn thì thanh khoản sẽ gặp khó khăn. Nhưng tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện nay thì chúng ta không thể vừa ổn định vĩ mô, vừa tăng trưởng kinh tế cao. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lại cho rằng, không thể yêu cầu NHTM phải giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Dù vậy, các ngân hàng cũng cần tăng lãi suất cho vay ở mức độ phù hợp để chia sẻ cùng khách hàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản 

Tháng 10 vừa qua, thị trường chịu tác động chủ yếu bởi yếu tố tâm lý và diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Trước tình hình đó, NHNN đã nhanh chóng và kịp thời thực hiện vai trò điều tiết của mình thông qua triển khai các công cụ giải pháp đưa tiền ra hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Các ngân hàng đều đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.

Về phía NHNN, với vai trò điều hành, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm. Thị trường tiền tệ, ngoại hối đang chịu áp lực, biến động nhưng đó là bối cảnh chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ đối với Việt Nam. Điều quan trọng là nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực. Thời gian tới, NHNN chủ động bám sát và nắm chắc tình hình để đưa ra những giải pháp, công cụ điều hành phù hợp với liều lượng cũng như thời điểm hợp lý. 


TS Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa

Trong bối cảnh hiện nay, khi Fed liên tục tăng lãi suất đồng USD, khơi bùng dòng USD quay lại Mỹ vì tiền sẽ đổ về nơi có lãi suất cao, chúng ta cần xem xét lại quan điểm hạn chế đô la hóa ở mức độ nào là phù hợp. Chẳng hạn như có thể điều chỉnh lãi suất cho phù hợp. Có thể không khuyến khích huy động ngoại tệ từ người dân, nhưng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ thì các tổ chức tín dụng cần xem xét cơ chế lãi suất để duy trì được lượng vốn ngoại tệ gửi vào ngân hàng, làm cho tỷ lệ đô la hóa tăng lên.

Để giải quyết những vấn đề căng thẳng trên thị trường ngoại hối thì cần tăng cung và giảm cầu, linh hoạt điều chỉnh chính sách chống đô la hóa bằng công cụ lãi suất để tăng cung. Khi NHTM huy động được lượng ngoại tệ với mức lãi suất phù hợp thì ngân hàng có thể cân đối giữa nguồn huy động và cho vay.

Tin cùng chuyên mục