Sức hút mới cho vận tải công cộng

Những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, TPHCM luôn phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông do các loại xe cá nhân (ô tô và xe máy) phát triển quá nhanh khiến việc xây dựng hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp, gây thiệt hại nhiều đến kinh tế, đời sống xã hội, gây ô nhiễm môi trường. Những cố gắng của chính quyền TP nhằm giải quyết tình trạng trên tuy đã đạt một số kết quả nhất định, hệ thống giao thông được sửa chữa, làm mới hàng trăm km, nhưng để đáp ứng yêu cầu phát triển của một đô thị văn minh, hiện đại, thì cần phải có những dự án lớn về giao thông, quy hoạch đô thị phù hợp, cần có thời gian, vốn và kế hoạch thực hiện đồng bộ.

Thực trạng giao thông TP đang đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn về chủ trương đầu tư, chuyển từ vận tải hành khách công cộng khối lượng nhỏ (là xe buýt) sang phương tiện vận tải khối lượng lớn (metro).

Đó là bước đi chiến lược nhằm biến vận tải công cộng (VTCC) thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân.

Một mặt, TP tích cực triển khai nhiều dự án tàu điện ngầm, tàu bánh sắt chạy trên cao, xe buýt chạy trên tuyến đường riêng, với nhiều khả năng đến năm 2015 sẽ có tuyến metro đầu tiên… nhưng trong thời gian từ nay đến năm 2015, việc vận chuyển hành khách công cộng vẫn phải dựa vào xe buýt hiện có.

Hiện nay, trong số xe buýt đang hoạt động tại TPHCM có 2.434 xe loại từ 17 đến trên 39 ghế hoạt động trên 141 tuyến đường, với khối lượng vận chuyển hàng năm đạt 1,2 - 1,3 triệu lượt người. Tuy nhiên, những khó khăn về giá cước, xe xuống cấp, thiếu vốn sửa chữa… đang là những bài toán làm đau đầu những người làm công tác quản lý.

Khắc phục những khó khăn trên, ngành GTVT đang phải củng cố, sắp xếp lại lực lượng trong hoàn cảnh các hình thức hỗ trợ về vốn đã giảm đi đáng kể. Trong thời gian tới, VTCC sẽ phải được sắp xếp lại mạng lưới xe buýt theo mô hình: tuyến trục chính - tuyến nhánh - tuyến thu gom để giúp cho người đi xe buýt thuận tiện hơn. Cụ thể, sẽ điều chỉnh lộ trình 42 tuyến, tăng 25 tuyến nhánh để thu hút người dân tại các tuyến đường nhánh đi xe buýt. Phân bổ lại các tuyến xe buýt, tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm (chiếm 67% tổng cự ly tuyến đường), ra một số tuyến ở ngoại thành... Dự kiến, sau khi sắp xếp lại các tuyến, hệ thống xe buýt của TP, có thể đạt số lượng 1,8 triệu lượt hành khách/ngày, đến năm 2015 có thể đạt 21,6 triệu khách/ngày và đáp ứng khoảng 19,3% nhu cầu đi lại của khách.

Bên cạnh nỗ lực giải quyết nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt trong những năm tới, để chuyển dần sang các phương thức VTCC hiện đại, công tác quy hoạch đô thị, xây dựng luồng tuyến, bến đậu xe… cũng cần được các chuyên gia tư vấn, ngành xây dựng phối hợp thực hiện. Sự phân bố không đều, không tập trung các khu đô thị mới, khu dân cư mới, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện xa các trục lộ; các trạm dừng xe buýt xa khu dân cư sẽ hạn chế năng lực vận tải của các loại phương tiện. Người dân có nhu cầu sẽ ngần ngại khi sử dụng phương tiện VTCC. Vì thế, quy hoạch đô thị phải luôn gắn liền với quy hoạch giao thông, trong đó VTCC phải được chú trọng.

Chủ trương, chiến lược xây dựng hệ thống VTCC đang được TPHCM tích cực triển khai, và đã vẽ nên những phác thảo đầu tiên của bức tranh giao thông đô thị hiện đại. Khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhưng từng bước tháo gỡ, kết hợp giữa phương thức phục vụ cũ và mới là bước đi phù hợp với thực tại. Hy vọng, với nỗ lực trên, VTCC TPHCM trong tương lai không xa, sẽ có sức thu hút lớn, trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, giải quyết được phần lớn nhu cầu của người dân, giúp TP giải quyết tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường.

Thăng Long

Tin cùng chuyên mục