Sức mạnh của truyền thống văn hóa Việt Nam

Ý nghĩa của thắng lợi ngày 30-4-1975, có thể được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau. Đó là ngày toàn thắng của dân tộc ta sau 30 năm kháng chiến liên tục để bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Đó là sự hưởng ứng với kết quả cao nhất đối với lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ vang lên từ đất Tổ: Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Nếu suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa của thắng lợi ngày 30-4-1975, thì đó là thắng lợi của truyền thống mấy ngàn năm lịch sử văn hóa vô cùng tốt đẹp của Việt Nam ta.

Lịch sử văn hóa mở đầu từ thời đại các vua Hùng là văn hóa truyền thuyết mang ý tưởng về khát vọng sống của dân ta rất cao đẹp. Đó là sống trong niềm tự hào về người Cha là Lạc Long Quân thuộc giống Rồng, rất oai hùng, với người Mẹ là Âu Cơ, đẹp như tiên, bình đẳng chung lòng cùng dựng nước. Đó là sống trong tình nghĩa đồng bào, thương yêu gắn bó với nhau như con cùng chung một bào thai. Đó là sống với lòng yêu nước nồng nàn, giặc đến nhà, trẻ con cũng vươn lên thành dũng sĩ, dẹp giặc chỉ để cứu nước không tính chuyện tranh công để hưởng danh lợi chức quyền, như chuyện Thánh Gióng.

Nhờ biết phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp mà cốt lõi là lòng yêu nước, nghĩa cố kết đồng bào, với sự quý trọng người tài, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Hồ Chủ tịch, luôn tự nâng cao về bản lĩnh trí tuệ, mưu lược, đã lãnh đạo dân ta giành được thắng lợi to lớn trong cuộc Cách mạng Tháng 8-1945, đã làm cho giặc Pháp, giặc Mỹ thất bại thảm hại. Sau 30 năm kháng chiến, đã chiến đấu để giữ vững biên cương của Tổ quốc, đã có được thành quả to lớn trong công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chúng ta rất tự hào về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, hai vị đã được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới. Đặc biệt trong nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Bác Hồ chúng ta là “Vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”. Nghị quyết đã ghi nhận rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Xâm lược Việt Nam hơn 20 năm (1954 - 1975), Mỹ đã trải qua 6 đời tổng thống, chi gần 700 tỷ USD… Kết quả cuối cùng là đế quốc Mỹ đã hoàn toàn bị thất bại sau ngày 30-4-1975, miền Nam nước ta trong đó có Sài Gòn, được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta đã giành được độc lập thống nhất, mở ra một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn xây dựng đất nước trong hòa bình.

Tại sao có sự thất bại đó? Nhiều người Mỹ cho rằng có hai nguyên nhân: Một là, Mỹ đã không hiểu đúng uy tín và ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và đối với nhân dân thế giới.  Hai là, Mỹ đã không lường được sức mạnh của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng đó là một nhận định đúng.

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục