Những ngày qua, cùng các địa phương trong cả nước, TPHCM tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” nhằm kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2014), qua đó đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của nhân dân ta từ bao đời nay, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sức mạnh giúp nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Tham dự các hoạt động trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, bà con khu phố cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng thời tăng cường hơn nữa sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Ngày hội còn là dịp để phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, là diễn đàn dân chủ, tập hợp sức mạnh của từng người, hộ gia đình tại cộng đồng dân cư.
Trong thời gian tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, một số hoạt động thiết thực được triển khai, như: vận động quyên góp ủng hộ giúp đỡ đồng bào nghèo, trao quà, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tổ chức lễ trao tặng nhà tình thương cho hộ nghèo, vận động bà con nâng cấp đường hẻm… Tại các buổi gặp gỡ thân mật, bà con trực tiếp góp ý với các đồng chí lãnh đạo về công tác quản lý, điều hành của cấp ủy và chính quyền cơ sở, nêu những băn khoăn, trăn trở và những bức xúc ở khu phố, ngoài xã hội và tham gia xây dựng quy ước khu dân cư, để mong sao cuộc sống ngày càng ổn định, phát triển. Buổi gặp mặt tại ngày hội còn đan xen chương trình văn nghệ do chính bà con hay các cháu thiếu nhi khu phố biểu diễn, phát động phong trào thi đua, khen thưởng gương người tốt việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”...
Trong cuộc sống bộn bề lo toan, bên cạnh những mảng tối đang làm xã hội bất an và có cả những toan tính cá nhân, vẫn luôn xuất hiện những gương sáng bình dị mà cao cả ở mỗi khu dân cư, họ âm thầm đóng góp công sức cho đời mà chẳng đòi hỏi ai đó ban tặng phần thưởng hay chờ được nhận giấy khen. Ở họ, chỉ có suy nghĩ đơn giản rất đời thường: hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc là cho đi, là mang lại hạnh phúc cho người khác. Với họ, làm thế là nhận lại niềm vui, là hạnh phúc. Những việc làm tốt ở khu dân cư không chỉ giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mà còn làm cho nhiều người khác tỉnh ngộ, biết “dừng lại đúng lúc”, biết “quay đầu là bờ”. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là dịp để bà con vun bồi tình làng nghĩa xóm. Mọi người gặp nhau trò chuyện nồng ấm, hỏi han chuyện gia đình, công ăn việc làm, nuôi dạy con cái. Có nơi còn tổ chức những bữa ăn gọn nhẹ, mời nhau chén rượu, chén trà “làm đầu câu chuyện” như để “xí xóa” những vướng mắc, sơ sẩy nếu có trong lời ăn tiếng nói mà chưa có dịp cảm thông...
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một sự kiện lớn trong cộng đồng dân cư, là nơi hun đúc lòng tin, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nói cách khác, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sự phát triển trên tầm cao mới của ý thức hệ làng - xã trong xã hội ta tự ngàn xưa.
TUẤN SƠN