Tuyển Bosnia chuẩn bị tham dự World Cup đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà. Đó là thế hệ cầu thủ quên đi bom đạn chiến tranh để tập luyện từ khi còn nhỏ. Một trong những người thầy đầu tiên của họ là HLV 55 tuổi Predrag Pasic.
Cựu tiền vệ tuyển thủ Nam Tư đã đặt nền móng cho bóng đá Bosnia ngay giữa lúc đất nước có chiến tranh, nhất là khi ông đau xót chứng kiến 1.200 trẻ em chết và 10.000 trẻ em khác bị thương trong 4 năm chiến tranh. Ông quyết định ở lại Sarajevo mở trường bóng đá mang tên Bubamara, có nghĩa là bọ cánh cứng - con vật mang lại sự may mắn ở Bosnia vào tháng 5-1993. Ý nghĩ ban đầu của ông Pasic là nhằm tạo môi trường giúp các em nhỏ có nơi chạy nhảy và rèn luyện thể chất.
Ông Pasic vẫn còn nhớ như in ngày khai trường với 200 học sinh ngồi trên những băng ghế với sự “hộ tống” của cha mẹ, trong khi bên ngoài tiếng súng vẫn nổ. Đó là con số ông không thể ngờ tới nhưng nó đã cho ông thấy được khát khao tự do, khát khao cuộc sống hòa bình của mọi người. Ngoài chuyện dạy các em chơi bóng đá, ông còn muốn dạy các em về sự thống nhất và đoàn kết dân tộc.
21 năm trôi qua, Trường Bubamara đã có hơn 10.000 học viên. Tuy đây không phải là trường dạy chuyên nghiệp nhưng đã gieo mầm cho hơn 40 em sau này trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và ấn tượng hơn có 6-7 em đạt đẳng cấp quốc tế.
Trung vệ Ervin Zukanovic (Genk, Bỉ) là một trong những cầu thủ xuất phát từ “lò” Bubamara và sẽ cùng tuyển Bỉ dự World Cup tại Brazil. Môi trường ở Bubamara và tấm lòng của thầy Pasic giúp cho các cầu thủ Bosnia luôn giữ được sự đoàn kết cho tới tận bây giờ.
Chân sút Edin Dzeko của Man.City không thuộc Trường Bubamara nhưng anh gia nhập đội bóng của HLV Pasic sang Italia dự một giải đấu với tư cách là đội trẻ Sarajevo đầu tiên ra nước ngoài thi đấu sau chiến tranh. Sống chung trong điều kiện như vậy, những cầu thủ Bosnia thấm nhuần lời dạy đoàn kết cho tới tận bây giờ thông qua việc họ tích cực đóng góp tiền giúp người dân trong nước vượt qua nỗi khổ lũ lụt.
Tinh thần dân tộc từ Bubamara lan tỏa rộng hơn. Dù không giống Zukanovic hay Dzeko, những tuyển thủ khác cũng thấm nhuần tinh thần quật khởi của người Bosnia sau chiến tranh. Tiền đạo Vedad Ibisevic (hiện đang thi đấu cho Stuttgart) nếm cảnh chiến tranh khi anh mới lên 7. Gia đình anh phải chạy trốn vì nỗi lo bị sát hại sắc tộc.
Tuyển thủ khác là Haris Medunjanin từng có cha chết trong chiến tranh, theo mẹ lưu lạc sang Hà Lan nhưng anh cũng muốn cùng các đồng đội tiến thật sâu ở World Cup 2014 để người dân Bosnia tận hưởng niềm vui trong lần đầu tiên dự ngày hội bóng đá thế giới. Ông Pasic cảm thấy mệt mỏi nhưng mỗi khi ngẫm lại “lò” Bubamara góp một phần nhỏ bé vào hòa bình, đoàn kết dân tộc và đưa đội tuyển Bosnia dự World Cup 2014, ông cảm thấy hạnh phúc.
HƯNG THỊNH