Sức mua giảm - Tiểu thương chưa sẵn sàng trữ hàng tết

Giảm 20% - 30%
Sức mua giảm - Tiểu thương chưa sẵn sàng trữ hàng tết

Tết là mùa làm ăn lớn nhất trong năm của giới kinh doanh. Nhưng năm nay do sức mua tại khu vực các chợ truyền thống của TPHCM giảm sút nghiêm trọng, nhiều tiểu thương vẫn chưa chuẩn bị hàng tết.

Thưa thớt khách hàng mua bán chạp phô tại chợ An Đông. Ảnh: Kim Ngân

Thưa thớt khách hàng mua bán chạp phô tại chợ An Đông. Ảnh: Kim Ngân

Giảm 20% - 30%

Thông thường những năm trước, cuối tháng 9 âm lịch, sức mua tại các chợ đã bắt đầu tăng do bạn hàng từ các tỉnh đổ về TP để lấy hàng hóa bán tết, còn người TP cũng bắt đầu mua sắm ở một số nhóm hàng như vải vóc, quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình, dụng cụ nhà bếp… Tại các chợ như Bến Thành, An Đông, Bình Tây… vào thời điểm này mọi năm, các mặt hàng đặc trưng của ngày tết như mứt tết các loại, đặc sản khô như nấm hương, vi cá, tôm khô, cá khô… cũng rất hút hàng vì ngoài lượng khách Việt kiều mua về để ăn tết, mua để làm quà tặng quê hương cho bà con, cho bạn bè thì còn một lượng khách không nhỏ là khách du lịch cũng ghé mua để thưởng thức đặc sản của Việt Nam.

Nhưng năm nay tình hình khác hẳn. Dù đang vào lúc cao điểm mua sắm, nhiều chợ vẫn vắng hàng hóa lẫn khách. Chị Ánh, người bán tại một gian hàng chạp phô, chợ An Đông cho biết, chưa có năm nào sức mua chậm như năm nay. So với cùng thời điểm của năm ngoái, mãi lực hiện đã giảm tới 30%. Khách vãng lai năm nay đến chợ giảm mạnh, nên tiểu thương chỉ trông chờ vào lượng khách địa phương cũng như các bạn hàng thân thiết. “Sức mua ngày càng giảm, trong khi giá các mặt hàng đặc sản khô luôn trong xu hướng tăng nên tiểu thương buộc phải giảm lãi tối đa để giữ chân khách. Cách làm này khiến nhiều hộ kinh doanh phải “ăn” dần vào vốn, mất khả năng tái đầu tư, dự trữ hàng hóa” - một cán bộ của Ban quản lý chợ An Đông nhận xét.

2 năm gần đây kinh tế khó khăn, nhiều công ty phải tiết kiệm khi chi cho may mặc nên tiểu thương ngành hàng vải mất khá nhiều mối lấy hàng thường xuyên. Còn tiêu dùng trong mỗi gia đình cũng được tính toán kỹ lưỡng hơn nên việc kinh doanh tại chợ rất vất vả. Chị Vân, tiểu thương ngành hàng vải sợi nói rằng, chưa có năm nào buôn bán vất vả như năm nay. Trước đây cùng một lúc chị Vân có thể nhập hàng trăm súc vải từ các nước như Ý, Pháp, Anh, Mỹ… cỡ nào cũng có thì nay chỉ khi khách đặt hàng chị mới dám nhập. Trong tình hình hiện nay, nếu nhập hàng về mà không bán được, chỉ còn cách đem tiền nhà để trả lãi ngân hàng.

Tương tự, tại nhiều chợ, tình hình cũng không khá hơn. Mãi lực bị giảm đều ở các ngành hàng. Thống kê sơ bộ của ban quản lý tại một số chợ cho thấy, sức mua từ đầu năm đến nay đã giảm bình quân 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài nguyên nhân người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn, thì tại khu vực các chợ truyền thống đang trở nên yếu thế so với các siêu thị trong hoạt động khuyến mãi giảm giá. Thực trạng này khiến số lượng tiểu thương ngưng nghỉ kinh doanh không ngừng tăng lên. Nếu năm 2008, cả TPHCM có tới 48.956 tiểu thương thì đến năm 2010 giảm còn 46.999, và tại thời điểm năm 2012 chỉ còn 44.221 tiểu thương.

Chưa có nhu cầu chuẩn bị hàng tết

Nói về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết, nhiều tiểu thương có cùng quan điểm “bán đến đâu, hay đến đó”. Trong 3 năm trở lại đây, gần như họ không còn khái niệm trữ hàng để bán tết như nhiều năm về trước. Thứ nhất, hàng hóa hiện nay rất dồi dào, phong phú chứ không khan hiếm như trước. Thứ hai, phong trào đóng hàng đi các tỉnh, nói cách khác, một số chợ tại TPHCM như Bình Tây, Tân Bình, An Đông… đang mất dần lợi thế bán sỉ vì nhiều công ty, DN đã chủ động xây dựng mạng lưới các đại lý tiêu thụ ở các tỉnh, nhằm tiết giảm vận chuyển trung gian để ổn định giá bán.

Với những tiểu thương ngành hàng may mặc, vẫn còn một số ít duy trì được mối hàng từ các tỉnh, vì họ vừa sản xuất, vừa tổ chức phân phối, trong đó các sạp hàng chính là nơi giao dịch. Thứ ba, trong bối cảnh lãi suất còn khá cao, sức mua ngày càng giảm thì việc vay vốn để dự trữ hàng hóa sẽ rất nguy hiểm. Chính từ việc không có nguồn hàng dự trữ nên thông thường giá hàng hóa tại các chợ vào thời điểm giáp tết thường cao hơn nhiều so với các siêu thị. Phần chênh lệch này, thực chất tiểu thương không được hưởng, vì họ phải lấy hàng qua nhiều tầng nấc trung gian. Do vậy, tiểu thương kinh doanh hiện nay đang chịu mức thiệt đơn, thiệt kép.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh cho khu vực các chợ truyền thống, trước hết các sở ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cấp chợ, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh sức mua luôn trong tình trạng năm sau giảm mạnh so với năm trước, nhưng cách tính thuế đối với nhiều ngành hàng chưa hợp lý nên buộc họ phải bỏ chợ, ra ngoài buôn bán.

Theo tính toán của một số tiểu thương, giá bán một số loại bánh mứt tết năm nay có thể tăng nhẹ từ 5% - 10%, giá các loại đặc sản khô cũng đã bắt đầu tăng nhẹ, dự kiến đến giáp tết các mặt hàng này sẽ tăng khoảng 15% so với thời điểm hiện nay.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục