Mỗi năm, chỉ vài vở diễn được ra mắt công chúng, nhà hát đóng cửa, hy vọng lớn nhất dành cho khán thính giả ái mộ bây giờ là các cuộc thi trên sóng truyền hình và đài phát thanh. Tuy vậy, bộ môn cải lương vẫn có đời sống riêng, bởi tình yêu và niềm đam mê của người làm nghề lẫn khán giả luôn mãnh liệt.
Trẻ đam mê, già sung sức
Chung kết cuộc thi giọng ca cải lương hàng tuần 2016 (đợt 1) dành cho người cao tuổi (sinh năm 1961 trở về trước) trên sóng Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) vừa khép lại với chiến thắng thuộc về thí sinh 55 tuổi Huỳnh Thị Phương Thủy (TPHCM).
6 gương mặt xuất sắc nhất được lựa chọn sau 3 đêm chung kết, 7 đêm bán kết từ hơn 200 thí sinh đăng ký tham gia, tuổi đời của họ đều trong khoảng 55 - 61 tuổi. Cá biệt, tại vòng sơ tuyển còn xuất hiện một giọng ca 85 tuổi - cụ Ngô Hữu Huệ đến từ Bến Tre.
Nhìn các cô, các chú không phải là những giọng ca chuyên nghiệp nhưng khi bước lên sân khấu đầy tự tin mới thấy tình yêu với cải lương trong họ lớn đến mức nào. Nói như soạn giả Ngô Hồng Khanh, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo: “Dù tuổi đời và cuộc sống làm tiêu hao làn hơi, âm giọng không còn nhiệt huyết nhưng giọng ca của các thí sinh vẫn nhịp nhàng, đầy chuẩn mực”. Đó là lý do, mỗi câu ca khi được ngân nga lên những nốt thật cao da diết hay xuống cung trầm mà vẫn tròn vành rõ chữ và luôn nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ phía khán giả bên dưới.
Nói về tình yêu và đam mê với cải lương của mình, cô Phương Thủy cho hay: “Khi vào đến vòng chung kết, tôi rất bất ngờ và không hề nghĩ mình còn có giải. Trước đây, tôi từng tham gia phong trào văn nghệ ở xã nhưng sau đó khi có gia đình đành tạm gác lại. Khoảng hơn 1 năm trước, khi bắt đầu theo học thầy Minh Nhường, Đoàn cải lương Trần Hữu Trang... càng học tôi càng thấy thích thú và muốn được khám phá nhiều hơn. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là mình dành vào đó nhiều tâm huyết để gửi lời ca tiếng hát từ trái tim đến khán giả”.
Trước đó, tại Hội thi giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng lần thứ 6 - năm 2015, có rất nhiều thí sinh dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã được trời phú cho giọng ca ngọt ngào, kỹ thuật ca tốt, làn hơi khỏe để thể hiện xuất sắc nhiều tác phẩm ở cả thể loại bài bản hay vọng cổ.
Trong số 6 thí sinh vào đến đêm chung kết xếp hạng, thí sinh trẻ nhất là Nguyễn Thị Mỹ Tiên mới bước sang tuổi 21 (sinh năm 1994). Thí sinh giành giải nhất chung cuộc đầy thuyết phục Nguyễn Thị Trường An cũng chỉ sinh năm 1988. Xét cả tuổi đời và tuổi nghề Mỹ Tiên, Trường An hay Võ Thị Ngọc Quyền, Phạm Thị Diệu... đều còn rất non trẻ nhưng tựu chung ở họ chính là niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Nguyễn Thị Trường An trên sân khấu cuộc thi cải lương Bông lúa vàng 2015
“Từ khi 5 - 6 tuổi, mỗi lần trên đài có các chương trình cải lương em đều chăm chú đón nghe, cứ học rồi hát theo dù gia đình không có ai theo nghệ thuật. Niềm đam mê ấy cứ lớn dần lên và khi học đại học, em tham gia CLB đờn ca tài tử của trường, nơi mình được giao lưu, chia sẻ với bạn bè. Hiện tại, dù đang là một nhân viên văn phòng nhưng giải Bông lúa vàng sẽ là động lực để em tiếp tục theo con đường này. Em xác định mình cần học hỏi nhiều hơn nữa, nâng cao khả năng trước khi bước vào con đường chuyên nghiệp”, Nguyễn Thị Trường An chia sẻ.
Khó nhưng không phải không thể
Là người gắn bó với nghệ thuật cải lương suốt mấy chục năm qua, sáng tác hàng trăm vở cải lương và bài vọng cổ, soạn giả Ngô Hồng Khanh đã có nhiều năm gắn bó, được tín nhiệm giao trọng trách trưởng ban giám khảo các cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương. Theo ông Khanh, việc ngày càng có nhiều người cao tuổi lẫn các bạn trẻ tham gia những cuộc thi như thế này mang đến không ít niềm vui cho người làm nghề, bởi đó là tín hiệu tích cực cho thấy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang được bảo tồn. Bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn của loại hình đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ cũng là một trong những mục đích lớn nhất mà những cuộc thi như: Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng hay Tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần hướng tới.
Theo ông Nguyễn Nam Tuấn, Phó giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, cuộc thi còn mang ý nghĩa: “Tạo điều kiện để các thí sinh nhiều lứa tuổi có triển vọng ca hát thi diễn tài năng, qua đó phát hiện và bồi dưỡng những giọng ca mới cho làn sóng phát thanh và sân khấu cải lương; động viên tinh thần đam mê ca nhạc cải lương trong quần chúng”. Đó là lý do, qua mỗi mùa tổ chức, ban tổ chức liên tục có những thay đổi theo hướng tích cực nhằm làm phong phú cho nội dung, thể điệu của chương trình.
Một thực tế cho thấy, dù loại hình nghệ thuật cải lương hiện nay không có độ phủ sóng mạnh mẽ nhưng họ có một lớp đối tượng khán giả rất đặc biệt. Soạn giả Ngô Hồng Khanh cho biết, khán giả xem các cuộc thi cải lương mới thực sự là những giám khảo công tâm nhất, bởi họ không chỉ biết nghe mà còn đánh giá tương đối chính xác phần thi của các thí sinh. Những tràng pháo tay của khán giả dường như cũng là thước đo về mặt điểm số. Đó là lý do đa phần những người giành giải cao qua các cuộc thi đều nhận được sự đồng thuận rất cao của hội đồng giám khảo chuyên môn lẫn khán giả.
Hiện nay, trong khi việc dựng vở cải lương mới gặp muôn vàn khó khăn từ khâu kịch bản, địa điểm biểu diễn, vấn đề thu hút khán giả... thì một hướng đi mới tạm gọi lạc quan, đó là cái bắt tay giữa kịch và cải lương. NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết, chị xây dựng sân khấu tại địa bàn quận 6 - vốn là nơi có nhiều khán giả mê cải lương nên trong mỗi vở kịch của mình chị đều đan cài loại hình nghệ thuật này vào và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Những tuồng cải lương nổi tiếng như: Lan và Điệp; Đứa con tiền kiếp, Tình lá diêu bông... cũng được các sân khấu kịch trên địa bàn thành phố dựng lại, công diễn trong thời gian vừa qua và khá thành công. Trong tương lai gần, nhiều sân khấu kịch: Trịnh Kim Chi, Hoàng Thái Thanh... cho biết họ sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này.
VĂN TUẤN