Chưa cần phải trở lại với những bộ phim, những ca khúc, những cuốn tiểu thuyết… ra đời trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ; chỉ cần điểm qua những tác phẩm văn chương nghệ thuật đã “trình làng” từ ngày bước qua cơ chế thị trường cũng đủ thấy rằng người nghe, người đọc, người xem ở nước ta không hề thờ ơ, lạnh giá với đề tài chiến tranh cách mạng.
Hẳn chúng ta chưa quên những cuốn sách được xếp vào thể loại “cận văn học” như Nhật ký Chu Cẩm Phong, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, Được sống để kể lại... đã tạo được cảm xúc hướng về truyền thống cách mạng trong công chúng bạn đọc. Những bộ phim truyện như Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát, Mùi cỏ cháy... từng khiến đông đảo khán giả xúc động nghẹn ngào rồi đến hiện tượng biết bao bạn trẻ đã từng bị cuốn hút bởi chất tráng ca trong bộ phim Những người viết huyền thoại là những ví dụ điển hình. Và với chương trình “Giai điệu tự hào” công chiếu vào tuần cuối mỗi tháng, màn ảnh Đài Truyền hình Việt Nam đã làm “sống lại” những kỷ niệm đầy tự hào của những năm tháng “gian lao mà anh dũng”, tôn vinh giá trị đích thực cho những ca khúc thời chiến tranh…
Những hình ảnh như vậy không hề thưa hiếm. Vì sao đề tài chiến tranh cách mạng vẫn giữ nguyên giá trị xanh tươi, lâu bền đến vậy?
Nói đề tài chiến tranh cách mạng là nói một cách rộng rãi, ôm trùm. Thực chất đó là việc phản ánh lại và ngợi ca quá khứ của dân tộc, của đất nước qua 3 thời kỳ lịch sử: theo Đảng giành chính quyền vào mùa Thu tháng 8 năm 1945; cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và cuộc chiến tranh chống Mỹ thống nhất đất nước. Đấy là bản tráng ca về khát vọng độc lập tự do, về chủ nghĩa yêu nước, về ý chí quật cường dũng cảm thà hy sinh tất cả chứ không chịu sống quỳ. Trong văn chương nghệ thuật của hầu như mọi nước trên thế giới, đề tài này không bao giờ cũ, luôn được sới đi lật lại để góp vào kho báu văn hóa nhân loại như những tác phẩm đỉnh cao: Iliat-Odise, kịch của Shakespeare, các cuốn tiểu thuyết như Donkihote, Chiến tranh và hòa bình… Với hoàn cảnh địa chính trị ở nước ta, không chỉ trong quá khứ mà ngay trong những năm tháng này vấn đề giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ý thức bảo vệ sự toàn vẹn lãnh địa và hải phận, hải đảo đâu đã lùi xuống vị trí thứ hai, thứ ba so với yêu cầu xây dựng một đất nước văn minh, hiện đại? Đấy là nói ở góc độ khái quát, bao trùm nhất. Còn nếu tính đến từng gia đình, từng số phận mỗi người, nỗi đau và niềm tự hào về những người ông, người cha, người anh đã hy sinh trong mấy cuộc chiến tranh đã qua mãi mãi vẫn còn là những ký ức sống động, hết sức nhạy cảm - có thể ví như những sợi dây đàn kéo hết độ căng để sẵn sàng rung lên mọi cung bậc âm thanh khi chỉ cần gợi được một sự đồng cảm…
Tuyệt nhiên không có chuyện người đọc, người xem, người nghe ở nước ta đã cảm thấy đề tài chiến tranh cách mạng đã là “chuyện của ngày xưa”, đã trở nên sáo mòn, nhàm chán. Cho đến tận hôm nay, sau khi những sự kiện lớn như cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng lịch sử Xuân 1975 lùi vào dĩ vãng 40, 50, 60 năm thì công chúng người đọc, người xem, người nghe vẫn cảm thấy chưa có một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim nào đo được hết tầm cỡ vĩ đại và chiều sâu triết lý, nhân văn của các sự kiện trên. Bản thân các văn nghệ sĩ vẫn luôn coi nhu cầu ấy của nhân dân chính là món nợ mãi mãi họ vẫn chưa trả được.
Khẳng định sự xanh tươi, trường tồn của đề tài chiến tranh cách mạng bên cạnh các mảng đề tài khác là nói tới sự phát triển tất yếu, tự nhiên và dài lâu của mảng đề tài này. Còn trong thực tế, làm thế nào để mảng đề tài ấy bốn mùa đơm hoa kết trái, phát huy được những tác động tích cực tới công chúng thưởng thức lại đang nảy sinh một loạt câu hỏi cần được rốt ráo trao đổi, bàn bạc. Ví như, có nên xã hội hóa hoàn toàn hoặc xã hội hóa với tỷ lệ cao việc sáng tạo ra các tác phẩm đề tài cách mạng và chiến tranh không? Khi Nhà nước đầu tư cho những công trình văn hóa nghệ thuật, liệu đồng vốn tài trợ đó đã chọn đúng việc, trao đúng người để đồng tiền tài trợ thật sự tạo nên chất lượng tác phẩm chưa?...
Hy vọng rằng với lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang diễn ra; kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào sang năm - đấy sẽ là dịp để nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng đạt tính tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao sẽ ra mắt công chúng.
TÔ HOÀNG