Sức sống mãnh liệt của “tâm hồn Nga”

Cứ mỗi năm đến ngày 7-11, trái tim của mỗi người nặng lòng với Liên Xô và nước Nga đều không khỏi xao xuyến vì có quá nhiều hoài niệm và ước vọng. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết của Nhà giáo ưu tú, nhà thơ, dịch giả Lê Đức Mẫn, người đã dồn hết thời gian, tâm huyết và nghị lực vào công việc truyền bá tiếng Nga và văn hóa Nga.
Sức sống mãnh liệt của “tâm hồn Nga”

Cứ mỗi năm đến ngày 7-11, trái tim của mỗi người nặng lòng với Liên Xô và nước Nga đều không khỏi xao xuyến vì có quá nhiều hoài niệm và ước vọng. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết của Nhà giáo ưu tú, nhà thơ, dịch giả Lê Đức Mẫn, người đã dồn hết thời gian, tâm huyết và nghị lực vào công việc truyền bá tiếng Nga và văn hóa Nga.

Năm 1832, định mệnh đã trao cho đại thi hào Nga Iu Lermontov viết một bài thơ ngắn, nhưng lại là bức tranh chân dung nước Nga - bài thơ Cánh buồm, trong đó nước Nga hiện lên như con thuyền đơn độc đi giữa biển khơi tìm bão tố vì biết rằng: Nhưng buồm day dứt tìm bão tố/Dường trong bão tố có bình yên. Bài thơ nhanh chóng lan khắp nước Nga, rồi lan tỏa ra thế giới và mau chóng xâm chiếm tâm hồn người Việt. Cái triết lý về bão tố và bình yên cho đến bây giờ vẫn là ám ảnh. Cho dù Liên Xô không còn, nước Nga vẫn đang còn đó những khó khăn, nhưng hình ảnh nước Nga chân thành và hào hiệp không hề thay đổi.

Quảng trường Đỏ, Mátxcơva. Ảnh: Tư liệu

Cách đây khoảng 10 năm, VTV3 làm một chương trình mang tên Tâm hồn Nga. Tôi thấy có điều hết sức kỳ lạ là trong suốt cuộc đời mình hình như tôi chưa bao giờ thấy có một chương trình nào mang tên tâm hồn một nước nào đó, một dân tộc nào đó… Hẳn là có một cái gì đó thật thân thương chỉ để dành cho người thân thương mà thôi.

Tôi dạy học khoảng 40 năm tại khoa tiếng Nga Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Cách đây mấy năm, các em sinh viên cũ cứ khẩn thiết mời tôi đến làm khách của Hội những người hát bài hát Nga. Tôi đã ngoài 70 tuổi và hát không ra gì, nhưng tôi đã được gặp những người phụ trách hội này. đó là các em Lan Phương, Mai Hoa, Hải Yến và nhiều em khác nữa. Tôi thật sự kinh ngạc vì cho đến nay hội này ngày một gia tăng, con số hội viên trên toàn quốc đã lên tới khoảng 1.500 người.

Dường như tôi không thấy ở đâu có một hội nào chuyên hát bài hát của một nước nào, một dân tộc nào, mà nếu có thì liệu có thể có một số lượng người đông như thế không? Tôi đã trò chuyện với những người yêu bài hát Nga. Bà Lê Thị Minh Cần theo học lớp bài hát Nga tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga trong nhóm “Bạch Dương” do thầy giáo - nhạc sĩ Phan Văn Bích hướng dẫn. Bà đã ở tuổi 70, chưa hề sang Nga, chưa biết tiếng Nga, suốt đời là cán bộ kinh tế, rồi về hưu, rồi hát bài hát Nga. Thế đấy!

Mấy chục năm trước, tôi có dịch cuốn tiểu thuyết Và nơi đây bình minh yên tĩnh của nhà văn Nga Vasiliev, tiểu thuyết được giải thưởng quốc gia, được dựng phim. Bản dịch của tôi được in trong nước và được tái bản tại Nhà xuất bản Cầu Vồng bên Nga. Cách đây mấy năm, chị Thùy Linh, biên tập viên VTV1, đến nhà tôi phỏng vấn cho chương trình “Gõ cửa ngày mới” vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít. Chị hỏi vì sao tôi chọn dịch cuốn sách ấy. Tôi bảo: “Số phận của hai nước giống nhau: cùng chống ngoại xâm để tồn tại và cùng chiến thắng”. Đầu đề cuốn sách ấy lẽ ra phải viết dài ra thế này: “Cả đến bình minh nơi đây mà cũng yên tĩnh”.

Tôi nhắc lại rằng tôi cứ bị ám ảnh mãi về mấy chữ “tâm hồn Nga”. Hồi đầu tháng 9 vừa qua, tôi có dịp ngồi họp với ông Phùng Trọng Toản, nguyên Giám đốc Phân viện tiếng Nga mang tên Puskin, nay về hưu và tham gia công tác tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga. Ông bảo: “Trong những năm chống Mỹ, Liên Xô đào tạo cho ta hàng chục ngàn cán bộ khoa học cả tự nhiên và xã hội. Ngày nay nước Nga tuy khó khăn, nhưng số lượng học bổng mà Nga dành cho Việt Nam vẫn tăng đều đặn. Năm 2015 tới đây chúng ta có 1.000 học bổng cho du học sinh sang Nga ăn học mấy năm liền”. Tôi cứ bần thần tự hỏi: “Đã có nước nào cho chúng ta một khoản tiền lớn để đào tạo con người đến như thế không?”.

Ông Thúy Toàn hiện nay là Giám đốc Quỹ Hỗ trợ và Quảng bá Văn học Việt Nam, Văn học Nga. Không hiểu vì sao ông bảo tôi đứng ra làm cấp phó cho ông. Tôi yêu nước Nga và quý mến ông nên tôi nhận lời. Trong vòng 3 năm qua nước Nga in cho chúng tôi 14 cuốn sách dày dặn, vừa văn học cổ điển, vừa sách nghiên cứu.

Từ năm 2000, Tổng thống Putin tuyên bố thành lập Quỹ Tổng thống để quảng bá văn hóa, rồi giao cho nhiều bộ ngành thực hiện. Bên Nga phối hợp với chúng tôi chọn sách, chúng tôi mời dịch giả, mời các nhà xuất bản trong nước làm bản thảo rồi gửi sang Nga. Bên Nga bỏ tiền ra in rồi chở sách sang tặng Việt Nam. Lần gần đây nhất Tổng thống Putin sang Việt Nam. Chuyên cơ của ông chở toàn là sách cho chúng ta... Tôi tự hỏi: “Đã có một nguyên thủ quốc gia nào lo cho văn hóa như thế không? Có nước nào lập kế hoạch in sách và đem tặng nhiều như thế không?”. Như thế có phải là “tâm hồn Nga” hay không?

LÊ ĐỨC MẪN

Tin cùng chuyên mục