Sức sống mới

Hôm nay 14-2, toàn bộ học sinh trên địa bàn TPHCM quay trở lại trường học sau hơn nửa năm bị gián đoạn.

Để chuẩn bị cho ngày này, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã lên nhiều phương án, kế hoạch đón học sinh như: tiêu độc, khử trùng trường lớp nhiều lần; các phương án phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh đã được tuyên truyền thường xuyên, liên tục đến phụ huynh học sinh thông qua các nhóm chat, tin nhắn điện thoại…

Dù không ít phụ huynh tỏ ra lo ngại khi con em mình đến trường trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương và biến thể Omicron bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng nhưng đa số vẫn tin tưởng các giải pháp phòng chống dịch của thành phố, tư vấn của các chuyên gia dịch tễ và cam kết của ngành y tế, giáo dục.

Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 thuộc hàng cao so với các nước trên thế giới. So sánh tỷ lệ tử vong trước và sau khi tiêm chủng cho thấy, chúng ta có bằng chứng tin rằng vaccine có hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ tử vong. Sau 2 năm đại dịch Covid-19 xảy ra, tỷ lệ trẻ em tử vong vì mắc Covid-19 khá thấp và đa số là các trẻ có bệnh lý căn bản. Hiện nay, các tỉnh thành đã mở cửa trở lại, cuộc sống sinh hoạt, kinh tế, xã hội đi vào hoạt động bình thường. Do vậy, nguy cơ trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh do người lớn mang lại cũng tương đương như khi trẻ đi học. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc Covid-19 đã có thuốc chữa trị nên cũng có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm từ người lớn và từ các trẻ khác. Mặt khác, có thể nhìn nhận rằng, việc học sinh học online quả thực kém hiệu quả và có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ. Phụ huynh vẫn phải đi làm, lao động sản xuất nên việc hỗ trợ trẻ học online tại nhà thực sự là một gánh nặng. 

Tuy nhiên, với tâm thế không chủ quan, chúng ta cần phải có những biện pháp phòng ngừa hợp lý, an toàn. Cụ thể, chúng ta nên hướng dẫn con em mình rửa tay bằng cồn hoặc xà phòng sát khuẩn, để thuận tiện, phụ huynh nên trang bị cho trẻ các chai rửa tay nhanh dạng gel. Hướng dẫn trẻ sát khuẩn tay và mặt bàn ghế hoặc các bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Để hạn chế mầm bệnh phát triển và lây lan, chúng ta nên hạn chế sử dụng máy lạnh, hãy mở cửa sổ và dùng quạt máy. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như sốt hay các triệu chứng về hô hấp, phụ huynh và giáo viên cần theo dõi kỹ, nên cho cháu nghỉ ở nhà, đồng thời xét nghiệm Covid-19 để tránh lây lan. Đặc biệt, không nên bắt trẻ uống quá nhiều vitamin không cần thiết. Giữ cho trẻ ăn ngủ đủ giấc, không nên thức khuya vì có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Khuyến khích trẻ mang khẩu trang trong quá trình học tập ở trường.

Bộ Y tế cũng nên có phác đồ điều trị Covid-19 cho các trẻ em tùy theo lứa tuổi, cần phải chuẩn bị các loại thuốc cần thiết như thế nào. Bên cạnh đó, ngành y tế dự phòng cũng cần có kịch bản ứng phó nếu có ổ dịch lớn xảy ra trong các trường học để kịp thời hạn chế lây lan và sẵn sàng cho các cháu đi học lại khi ổ dịch được kiểm soát. Khi có những kịch bản sẵn có cùng với sự đồng lòng chung sức vượt khó của từng gia đình, chúng ta có thể linh hoạt ứng phó với những khó khăn xảy ra trong thực tiễn cuộc sống. 

Việc học sinh tất cả các cấp học trở lại trường được xem như “dấu mốc”, là điều kiện tiên quyết thể hiện cuộc sống bình thường đã trở lại. Tất cả công dân thành phố ở mọi độ tuổi đã trở lại nhịp sống “bình thường mới” từ học tập đến làm việc, từ trường học đến cơ quan, công sở. Điều này cũng khẳng định TPHCM đã “thức dậy” hoàn toàn sau kỳ nghỉ bệnh khá dài vì dịch Covid-19 để hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh, phát triển các mặt kinh tế - xã hội của trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước. Không khí lao động trên các công trình trọng điểm đã rất rộn ràng; ngành du lịch cũng đã sẵn sàng mở cửa… Trong bối cảnh đó, mỗi ngày các trường học lại vang tiếng ê a học bài của trẻ, tiếng giảng bài của thầy cô, sức sống mới trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch sẽ càng thôi thúc, mạnh mẽ hơn.

Tin cùng chuyên mục