Sức sống mới ở làng gốm truyền thống Thanh Hà

Hội An (Quảng Nam) 5 năm liên tiếp được các tổ chức du lịch quốc tế uy tín như TripAdvisor, trang du lịch của tờ Luxeinacity, Touropia… bình chọn nằm trong tốp 10 điểm đến trên thế giới không thể bỏ qua. Năm 2015, kể từ khi công viên đất nung đầu tiên trong cả nước được khánh thành tại làng gốm Thanh Hà (Hội An) thì thành phố cổ nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng càng trở nên hấp dẫn và phong phú hơn…
Sức sống mới ở làng gốm truyền thống Thanh Hà

Hội An (Quảng Nam) 5 năm liên tiếp được các tổ chức du lịch quốc tế uy tín như TripAdvisor, trang du lịch của tờ Luxeinacity, Touropia… bình chọn nằm trong tốp 10 điểm đến trên thế giới không thể bỏ qua. Năm 2015, kể từ khi công viên đất nung đầu tiên trong cả nước được khánh thành tại làng gốm Thanh Hà (Hội An) thì thành phố cổ nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng càng trở nên hấp dẫn và phong phú hơn…

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Bảo tàng gốm Thanh Hà, một người con của làng Nam Diêu (Thanh Hà) cho biết, kể từ khi Công viên đất nung Thanh Hà (trong đó có Bảo tàng gốm Thanh Hà) ra đời, làng nghề truyền thống Thanh Hà xưa như được khoác áo mới. Các cơ sở sản xuất gốm trong làng được tiếp cận nhiều hơn với sự đổi mới từ định hướng sản xuất sản phẩm đến việc liên kết, sắp xếp sản xuất mẫu mã phù hợp với thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, bảo tàng gốm này như một cẩm nang của làng nghề, giới thiệu đến du khách những thăng trầm, đổi thay và tinh hoa của những sản phẩm qua các thời kỳ. Ở đây, khách đến tham quan có thể hình dung được cuộc sống xưa và nay của người dân làng gốm Thanh Hà. Các vật dụng được làm bằng gốm từ chiếc bát uống trà, chiếc dĩa đựng trầu đến cái nồi nấu cơm và cả chiếc quan tài cũng được làm bằng gốm qua đôi tay của các nghệ nhân Thanh Hà.

Một góc Công viên đất nung Thanh Hà

Có thể nói, cái làng nghề xưa với những lò nung rực lửa suốt ngày đêm, khói bay mù mịt trong tâm trí của những người con làng gốm giờ chỉ còn trong ký ức. Sự ra đời của Bảo tàng gốm Thanh Hà đã làm cho giá trị làng nghề được nâng lên một tầm cao mới, đầy sức sống và mở ra nhiều cánh cửa hội nhập cho hàng trăm con người ở cái làng nghề nhỏ bé này.

Trên diện tích rộng 6.500m², cách Hội An 3km về hướng Tây, làng nghề Thanh Hà đã tồn tại hơn 500 năm. Vào thế kỷ 16-17, Thanh Hà là một ngôi làng nổi tiếng với các mặt hàng làm từ gốm và đất nung. Hàng chục gia đình mưu sinh từ nghề gốm và mặc nhiên trở thành một làng nghề được truyền từ đời cha sang đời con cháu. Gần như các loại ngói âm dương, ngói ống cho các ngôi nhà cổ tại khu phố cổ Hội An đều được cung cấp từ làng gốm Thanh Hà. Dự án Công viên đất nung Thanh Hà được coi là không gian của bảo tàng gốm sứ đầu tiên tại miền Trung, kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng gồm 5 hạng mục chính, như: khu bảo tàng gốm, khu trưng bày ngoài trời, khu làng nghề Nam… Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên phấn khởi: “Từ khi Công viên đất nung Thanh Hà được đưa vào hoạt động, khách du lịch coi đây như một địa điểm phải ghé thăm và khám phá khi du lịch đến phố cổ Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Hàng tháng, tại đây đón hơn 5.000 lượt khách du lịch”.

Không những vậy, hơn 20 cơ sở làm gốm trong làng cũng phát triển hơn kể từ khi Công viên đất nung Thanh Hà ra đời. Dì Bảy Đời, một nghệ nhân của làng gốm cho biết, khách du lịch sau khi tham quan bảo tàng, họ đều vào làng để được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân làm gốm. Ở đây, họ có thể thực hành nặn gốm thành các sản phẩm như tò he, lọ cắm hoa, hũ đựng tăm… Theo dì Bảy Đời, các nghệ nhân như dì đều rất vui khi TP quy hoạch công viên và bảo tàng trưng bày các sản phẩm gốm, họ như thấy được giá trị truyền thống của làng được gìn giữ, phát triển và hội nhập với thế giới.

LÊ GIA LINH

Tin cùng chuyên mục