Sức sống mới ở vựa lúa ĐBSCL

Sức sống mới ở vựa lúa ĐBSCL

Nông nghiệp - nông dân - nông thôn ĐBSCL đang từng bước vượt khó để ổn định và phát triển. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo hướng tập trung, chất lượng cao, quy mô lớn, mang tính bền vững đang được nhân rộng. Thành quả bước đầu rất khả quan của công cuộc xây dựng nông thôn mới đã và đang khắc họa nên diện mạo mới đầy sinh động của nông thôn miền sông nước Cửu Long.

  • Đổi thay

Xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) những ngày cuối năm thật tất bật. Nhiều tuyến đường, cầu nông thôn, ấp văn hóa, trạm y tế đang được khẩn trương hoàn thiện.

Hối hả cùng vợ con dọn vào căn nhà mới, anh Lâm Văn Đời (ấp Mỹ Phụng) mừng ra nước mắt: “Tết này gia đình tôi chính thức được công nhận thoát nghèo. Tôi được nhà nước hỗ trợ một căn nhà đại đoàn kết, bảo lãnh cho vay ưu đãi 9 triệu đồng. Từ số vốn đó, tôi trồng 90 gốc vú sữa, trồng xen hoa màu, thuê 3 công đất ruộng làm lúa, cho con đi học nghề. Tôi làm được 2 vụ rồi, sau khi trừ chi phí, còn dư gần 5 triệu đồng. Hai đứa con đã ra trường, có việc làm ổn định”.

Bí thư Huyện ủy Phong Điền Lê Bá Phước phấn khởi nói: Sau 11 tháng phát động xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Mỹ Khánh đạt 16/20 tiêu chí (có 1 tiêu chí về dịch vụ hành chính công của TP Cần Thơ). Đầu năm 2012, Mỹ Khánh sẽ thành xã đầu tiên của TP Cần Thơ đạt chuẩn nông thôn mới. Điều đáng quý là, bà con sẵn sàng hiến đất, cây trái, hoa màu cùng nhà nước đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, nhà thông tin…

Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng tại ĐBSCL.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng tại ĐBSCL.

Thực tiễn sinh động đang diễn ra ở ĐBSCL đều có chung mẫu số, thu nhập nông dân ngày càng tăng, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng. Nông dân Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có 1 ha lúa với “thâm niên” 2 vụ liên tiếp tham gia cánh đồng mẫu lớn (1.000ha) cho biết: “Chúng tôi được lợi chi phí sản xuất (giảm khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ), được tiếp cận quy trình sản xuất kỹ thuật cao nên làm chủ được mùa vụ”.

Cánh đồng mẫu lớn đầu tiên trên 300ha của tỉnh Trà Vinh trong vụ hè thu vừa qua tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần có 302 nông hộ tham gia, đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Chi phí sản xuất của bà con chưa tới 2.100 đồng/kg, thấp hơn bên ngoài gần 900 đồng/kg.

Ông Kiên Ninh, Chủ tịch UBND xã Phú Cần, cho biết nhờ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, thu nhập bà con tăng 20%-30%. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Do vậy trong vụ đông xuân này, toàn vùng ĐBSCL nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn lên gần 20.000ha, tăng hơn gấp đôi so với 2 vụ đông xuân và hè thu năm trước.

  • Đòn bẩy

Từ đầu năm 2011, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ đã triển khai việc ký kết với các doanh nghiệp chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở toàn bộ 36 xã ngoại thành. Đến nay, các địa phương đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ gần 10 tỷ đồng xây dựng trường học, cầu nông thôn, trạm y tế, nhà văn hóa.

Huy động sức dân làm đường giao thông tại xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Huy động sức dân làm đường giao thông tại xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Ở tỉnh An Giang, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Đoàn Minh Triết, để xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2020 cần hơn 3.000 tỷ đồng. Do vậy, ngoài nguồn ngân sách, việc thu hút, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp và người dân rất được chú trọng. Hiện Công ty Xuất khẩu An Giang, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cùng xây dựng cánh đồng mẫu lớn và hệ thống nhà máy xay xát, chế biến, kho chứa quy mô 100.000 tấn. Từ cánh đồng mẫu lớn này, hiệu quả sản xuất của nông dân Thoại Sơn cao hơn, nhờ giá thành làm ra hạt lúa giảm, đầu ra chủ động, không bị tư thương ép giá như trước.

Rõ ràng khi “bốn nhà” tạo được mối liên kết chắc chắn, sẽ tạo một động lực rất lớn để xây dựng nông thôn mới. 

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục