Sức sống ở làng Khmer vùng Đồng Tháp Mười

Ngôi làng Khmer nhỏ bình yên nằm trên tuyến đường 818 (đường nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ N2) thuộc ấp 2, xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, là nơi mà thời gian qua chưa xảy ra dịch Covid-19. Bà con người dân tộc Khmer nơi đây luôn đoàn kết và giữ gìn bản sắc dân tộc, đồng thời quyết tâm nuôi dạy con em ăn học đến nơi đến chốn.

Ổn định cuộc sống

Hơn 20 năm trước, một nhóm cư dân người Khmer từ Trà Vinh nhập cư vào xã Tân Thành (nay là xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) để trồng khóm thuê cho Nông trường Tân Thành.

Thời gian sau, nông trường được quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp, những hộ dân này rơi vào cảnh thất nghiệp, không có nơi ở, cũng không có điều kiện để trở về quê. Do đó, chính quyền địa phương đã bố trí họ vào tuyến dân cư vượt lũ ở địa phương và tạo mọi điều kiện cho bà con có việc làm, từng bước ổn định cuộc sống.  

Sức sống ở làng Khmer vùng Đồng Tháp Mười ảnh 1 Sau khi cuộc sống trở lại bình thường trong tình hình mới, những người trẻ đã trở lại các khu công nghiệp để làm việc, còn người già trông coi các cháu nhỏ

Ông Lý Song (60 tuổi, người có uy tín được đồng bào Khmer cử làm đại diện nhóm) cho hay, cư dân ở đây dù nghèo nhưng mọi người sống nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy mà nhiều người quen gọi nơi đây là “làng Khmer trên vùng Đồng Tháp Mười”. Từ nhóm cư dân đầu tiên chưa đến 10 người, nay làng có được 19 hộ với gần 80 nhân khẩu.

Theo ông Lý Song, khoảng 5 năm trước, tuyến đường 818 chỉ là đường đá đỏ, nhỏ hẹp, việc đi lại gặp khó khăn. Mùa mưa thì trơn trợt, mùa nắng thì bụi mịt mù. Giờ đây, ngôi làng nhỏ với những căn nhà tường gạch thẳng tắp, kiên cố, sạch đẹp, đường sá thông thoáng, giao thông thuận lợi, người dân nếu không làm thuê thì vẫn có thể buôn bán ven đường.

Bà Thạch Thị Sa Riêng (55 tuổi) loay hoay quét dọn quán nước mía, tạp hóa của mình cho biết, trước đây bà đi làm thuê, sau đó bị bệnh, mất sức lao động nên mở cái quán nhỏ mua bán nhằm có đồng ra đồng vào. Khoảng không gian buôn bán tuy nhỏ, nhưng luôn được vệ sinh sạch sẽ hiếm khi bắt gặp bóng dáng ruồi nhặng.

Người Khmer sinh sống trên vùng Đồng Tháp Mười này ngày trước hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo. Nay họ đã có nhà xây bằng tường gạch kiên cố, các con làm công nhân tại các khu công nghiệp, các cháu chăm chỉ đến trường; cả làng đã đạt chuẩn gia đình văn hóa. 

Ông Thạch Ton (65 tuổi) luôn tự hào vì thế hệ của ông không biết chữ, thì nay đã có 2 cháu vào đại học.

“Tôi luôn động viên con cháu vượt khó để đi học, nhằm lập nghiệp sau này. Gia đình có thể sống chật vật một chút nhưng quyết không để các cháu bỏ học”, ông Thạch Ton nói.  

Sức sống ở làng Khmer vùng Đồng Tháp Mười ảnh 2 Các đoàn thể của địa phương luôn thăm hỏi và tạo điều kiện cho những người lớn tuổi làm việc tại nhà có thêm thu nhập

Ý thức cao phòng chống dịch

Những ngày đầu đến với vùng đất này, mỗi hộ dân Khmer được chính quyền hỗ trợ vay 10 triệu đồng để mua nền đất và 9 triệu đồng xây nhà, thời gian trả là 10 năm. Đến nay, họ đã hoàn thành việc trả nợ và được nhận giấy tờ đất; ngoài ra còn mua sắm một số vật dụng trong nhà.    

Sức sống ở làng Khmer vùng Đồng Tháp Mười ảnh 3 Lãnh đạo xã Tân Long đến thăm hỏi, động viên những người lớn tuổi tại Làng Khmer 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho biết: “UBND xã luôn chăm lo đời sống cho bà con Khmer trên địa bàn, triển khai các chính sách an sinh xã hội và xét miễn giảm học phí, trao học bổng, dạy nghề, giới thiệu việc làm...

Ngoài ra, hàng năm ngành chức năng cũng tổ chức tết truyền thống cho đồng bào Khmer nơi đây. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để bà con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí...”.

Sức sống ở làng Khmer vùng Đồng Tháp Mười ảnh 4 Ngôi làng Khmer nhỏ bình yên nằm trên tuyến đường 818 (đường nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ N2) thuộc ấp 2, xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, là nơi mà thời gian qua chưa xảy ra dịch Covid-19

Trong thời gian qua, nhiều nơi xảy ra dịch Covid-19, nhưng nơi đây nhờ chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, mọi người đồng lòng chống dịch nên cả làng chưa có người mắc Covid-19. Ngoài ra, tất cả người dân nơi đây đều đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Nhờ đó nhiều người có thể đến các khu công nghiệp để làm việc, đảm bảo nguồn thu nhập...

“Tuy cuộc sống chưa được đầy đủ, nhưng đã trả hết nợ nên ai nấy đều hài lòng. Tới đây, từng gia đình cần phải nỗ lực hơn nữa trong lao động, sản xuất nhằm thay đổi cuộc sống; thích ứng theo sự thay đổi không ngừng của địa phương…”, ông Thạch Ton bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục