Ngày 29-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry để thảo luận việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho biết lệnh ngừng bắn bị vi phạm.
Tiếp tục giao tranh
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong 24 giờ qua có đến 9 vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có 6 vụ rất đáng chú ý khi hỏa lực xuất phát từ những khu vực ở ngoại ô thủ đô Damascus, nơi mà các nhóm phiến quân “ôn hòa” thân Mỹ kiếm soát. Trong khi đó, tại tỉnh Raqqa, một nhóm khoảng 100 tay súng từ Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới vào Syria, hội quân với các nhóm chiến binh khác thực hiện các vụ tấn công vào thị trấn Tell Abyad của người Kurd. Nhóm đối lập chính ở Syria tuyên bố đã ghi nhận 15 vụ vi phạm từ phía quân chính phủ và lực lượng liên quân. Ngoài ra, còn có các vụ không kích vào 2 thị trấn Daret Azzeh và Qobtan al-Jabal ở tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria nhưng chưa rõ bên nào thực hiện…
Trước diễn biến trên, cả ngoại trưởng của Mỹ và Nga đều thể hiện quan điểm phản đối hành động mang tính khiêu khích, không tuân thủ lệnh ngừng bắn tại Syria. Đồng thời, kêu gọi các bên tham gia ngừng bắn ở Syria cần trao cơ hội cho hòa bình. Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, Mátxcơva và Washington sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp để giảm leo thang căng thẳng, trong đó có việc thiết lập một đường dây nóng giữa Nga - Mỹ - Thụy Sĩ để chia sẻ các thông tin tình báo.
Liên hiệp quốc thúc đẩy công tác cứu trợ người dân Syria
Xung đột tại Syria đã làm hơn 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, tạo ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu. Nếu thỏa thuận ngừng bắn lịch sử này được duy trì thì đây là lần đầu tiên các hành động thù địch tạm ngừng trong cuộc chiến kéo dài 5 năm qua ở Syria.
Không thể chấm dứt xung đột
Ngay từ khi thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào ngày 27-2, rất nhiều chuyên gia cũng như các phe tham gia thỏa thuận ngừng bắn đã tỏ rõ sự quan ngại về khả năng duy trì cam kết. Quân đội Syria tự do (FSA), lực lượng đối lập với Chính phủ Syria, đã chỉ ra lỗ hổng của kế hoạch này khi cho hay tại những vùng do các phe phái đối lập kiểm soát rất phức tạp với sự có mặt của khủng bố. Vì vậy, một khi thỏa thuận bị phá vỡ, các bên sẽ đổ lỗi cho nhau. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào cộng đồng người Kurd với lý do đây là khu vực nằm ngoài thỏa thuận ngừng bắn. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest thừa nhận điều này rất khó để có thể thực hiện bởi thực tế tình hình ở Syria rất phức tạp.
Theo giới quan sát, thỏa thuận ngừng bắn một phần ở Syria không thể được coi là nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột ở Syria mà chỉ là biện pháp để giảm bớt đổ máu, vừa đủ để cho phép các hoạt động viện trợ nhân đạo cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến sự như Aleppo.
Liên quan đến vấn đề cứu trợ tại Syria, Hội Chữ thập đỏ Syria Arab cho biết ngày 29-2, 10 xe tải chở hàng cứu trợ được LHQ cung cấp, đã đi vào thị trấn Moadamiyet al-Sham, phía Tây Nam thủ đô Damacus, nơi mà các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria kiểm soát. Đây là chuyến hàng cứu trợ đầu tiên tới tay người dân Syria kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. điều phối viên LHQ phụ trách vấn đề cư trú tại Damacus Yacoub El Hillo thông báo LHQ và các tổ chức đối tác đang lên kế hoạch cung cấp cứu trợ thiết yếu cho 154.000 người Syria đang sống tại các khu vực bị bao vây trong vòng 5 ngày tới.
LHQ ước tính có khoảng 500.000 người sống trong các khu vực bị cô lập trong tổng số 4,6 triệu người khó có thể tiếp cận được các nguồn cứu trợ. Tổ chức này hy vọng việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp chấm dứt tình trạng người dân bị vây hãm tại 15 khu vực ở Syria.
MINH CHÂU (tổng hợp)