Ngày 5-11, Liên hiệp quốc cho biết số người Syria bị mất nhà cửa và cần đến viện trợ do cuộc nội chiến ở nước này đã tăng 30%. 6,5 triệu người Syria đang sống trong cảnh không nhà và khoảng 40% người dân Syria tức 9,3 triệu người cần viện trợ lương thực để duy trì cuộc sống. Con số này cho thấy việc giải quyết lương thực cho hàng triệu người dân Syria đang trở thành vấn đề cấp bách.
Đói, bệnh tật
Phó Tổng Thư ký LHQ, Trưởng cơ quan viện trợ nhân đạo của LHQ Valerie Amos tuyên bố: “Tình hình nhân đạo ở Syria tiếp tục xấu đi nhanh chóng và không thể xoay chuyển được”. Bạo lực kéo dài trong thời gian qua đã khiến 100.000 người dân thiệt mạng, hơn 2,2 triệu người buộc phải di cư sang các quốc gia khác. Trung bình cứ 15 giây có một người tỵ nạn mới. Cứ 5 trường học có một trường bị hư hại và không thể hoạt động do chiến tranh. Nỗi thống khổ của người dân Syria càng lớn hơn do các rào cản đặt ra đối với các tổ chức nhân đạo của LHQ và các tổ chức phi chính phủ. Trước đó, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho hơn 400.000 trẻ em Syria đang tị nạn ở Lebanon mặc dù nước này đã thực hiện một cam kết lớn về chăm sóc hỗ trợ các trẻ em tị nạn từ Syria trong các lĩnh vực công như giáo dục và y tế.
Không chỉ có đói khổ, lần đầu tiên kể từ năm 1999, dịch bại liệt đã bùng phát trở lại và có nguy cơ lan rộng tại Syria. Cuối tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận 10 trong số 22 ca nghi sốt bại liệt tại Syria có kết quả xét nghiệm dương tính. Nguồn gốc mầm bệnh có thể được xác định trong tuần này. Hầu hết các ca nhiễm bệnh đến từ tỉnh Deir Al Zour, phía Đông Bắc Syria, và đều là trẻ em dưới 2 tuổi. Các chiến dịch chống bại liệt toàn cầu đã phát huy tác dụng tốt và hiện chỉ còn ba nước có đại dịch này là Afghanistan, Pakistan và Nigeria. Theo AFP, điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng chính các chiến binh thánh chiến chống lại Tổng thống Bashar al-Assad đã mang mầm bệnh đến Syria. Trước khi Syria chìm vào nội chiến hồi năm 2011, 95% trẻ em Syria được chủng ngừa bại liệt. Song, theo WHO, kể từ đó đến nay, khoảng 500.000 trẻ em Syria không được tiêm vaccine này.
Người tị nạn đối mặt với cánh cửa đóng
Theo dự báo của LHQ, năm 2014 sẽ có hơn 4 triệu người buộc phải rời khỏi Syria vì xung đột kéo dài. Trong khi hạn ngạch chính thức về hỗ trợ người tị nạn Syria năm tới chỉ dành cho 10.000 người. Số còn lại sẽ phải bố trí trong các trại tạm thời ở các nước láng giềng. Sự gia tăng không thể kiểm soát số lượng người di tản chắc chắn sẽ dẫn đến những vấn đề mới trong khu vực. Các chuyên gia LHQ dự đoán, nếu đổ máu không chấm dứt, số lượng người chạy khỏi Syria sẽ tăng gấp đôi trong vòng 1 năm. Dòng người tị nạn tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Iraq, Jordan và châu Âu.
Tuy nhiên, người tị nạn Syria ngày càng khó tìm nơi dừng chân. Nếu vào những tháng đầu của cuộc xung đột, các quốc gia láng giềng với Syria mở rộng vòng tay thì bây giờ tình hình đã khác. Kiểm soát trên các biên giới được thắt chặt. Thổ Nhĩ Kỳ dừng nhận người Syria. Jordan là một trong những quốc gia láng giềng phải chịu nhiều hệ lụy cũng không mong muốn khi số người tị nạn Syria chạy sang lánh nạn ngày một đông với khoảng 600.000 người, khiến dân số nước này tăng thêm 10%. Người di tản rất khó vào Ai Cập và chỉ có thể đi theo các giấy mời đặc biệt.
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, đến nay chỉ mới nhận được 40% số tiền đóng góp trong tổng số 4,4 tỷ USD cần viện trợ cho người tị nạn Syria sống tại các nước láng giềng.
HẠNH CHI (tổng hợp)