Hãng Reuters ngày 14-3 đưa tin, Tổng thống Bashar al-Assad đã ban hành sắc lệnh quy định tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 7-5 tới, theo quy định trong Hiến pháp mới vừa được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 2 vừa qua. Quyết định này được xem là một phần trong nỗ lực cải cách của chính quyền Assad nhằm xoa dịu dư luận trước các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Tiến trình bầu cử sẽ không suôn sẻ
Sau tuyên bố của chính phủ ông Assad, lực lượng chống chính phủ, những người đang gây sức ép buộc ông Assad từ chức, từ chối công nhận tính hợp pháp của Hiến pháp mới và cho biết sẽ không tham gia bầu cử. Đây là trở ngại đầu tiên của chính phủ ông Assad ngay sau khi tuyên bố tổ chức bầu cử.
Trước đó, vào tháng 7-2011, nội các Syria đã thông qua dự luật tiến hành tổng tuyển cử như một phần trong chương trình cải cách tổng thể mà chính phủ nước này cam kết thực hiện để xoa dịu làn sóng biểu tình trong nước. Theo đó, chính phủ Syria sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội và hội đồng địa phương các cấp, đồng thời thành lập Hội đồng Bầu cử Tối cao nhằm đảm bảo tiến trình bầu cử diễn ra suôn sẻ, công bằng và minh bạch.
Nội bộ Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đang phát sinh những mâu thuẫn nặng nề. Ba thành viên cấp cao của SNC đã tuyên bố rút lui và từ bỏ nỗ lực biến nhóm này thành phong trào chủ chốt trong cuộc nổi dậy chống chế độ của Tổng thống Assad.
Một thành viên SNC giấu tên tiết lộ có tới 80 trong tổng số 270 thành viên của nhóm này đã lên kế hoạch rời bỏ tổ chức và có thể lập một phong trào đối lập mới để tập trung vào việc vũ trang cho các nhóm chống đối ở Syria chống lại các lực lượng chính phủ. Trong khi đó, phương Tây và một số quốc gia Arập đang gia tăng sức ép với SNC, yêu cầu họ đoàn kết và phải thể hiện được vai trò có thể lãnh đạo cuộc biểu tình chống Tổng thống Assad.
SNC và Nhóm điều phối quốc gia vì sự thay đổi dân chủ ở Syria (NCB) là những nhóm đối lập hiện đang được phương Tây hỗ trợ trong kế hoạch lật đổ Tổng thống Assad. Vì thế, khi nội bộ các nhóm này rạn nứt sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của các quốc gia này.
Nga nỗ lực giảm căng thẳng
Cùng ngày, người phát ngôn của ông Kofi Annan, đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arập (AL) cho biết Tổng thống Assad đã có phản hồi về các đề xuất của ông Annan nhằm chấm dứt xung đột ở Syria. Phản hồi này đang được xem xét và chưa công bố. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã bổ nhiệm một điều phối viên đặc biệt về Syria. Dự kiến, người này sẽ gặp đại diện của các cơ quan cứu trợ để nghiên cứu số hàng viện trợ cần thiết để hỗ trợ người dân Syria.
Liên quan đến việc giải tỏa căng thẳng ở Syria, Nga tiếp tục đưa ra những tuyên bố yêu cầu phương Tây không can thiệp vào tình hình nội bộ nước này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Nga không bảo vệ chế độ chính trị mà chỉ đòi hỏi sự công bằng, quyền quyết định phải thuộc về người dân Syria”.
Nga và Liên đoàn Arập đã thông qua thỏa thuận 5 điểm về Syria, trong đó yêu cầu các bên liên quan chấm dứt bạo lực, kiểm soát tình hình, cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Syria, hỗ trợ ông Kofi Annan thực thi nhiệm vụ tại quốc gia này. Điểm cuối cùng trong thỏa thuận trên đồng thời là điểm quan trọng nhất là quốc tế sẽ không có hành động can thiệp từ bên ngoài nhằm thay đổi chế độ ở Syria.
Nga cũng cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria như phương Tây yêu cầu phải xuất phát đồng thời từ hai phía. Quan điểm này một lần nữa cho thấy bất đồng giữa Mátxcơva và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria chưa chấm dứt.
Các cường quốc phương Tây trong Hội đồng Bảo an LHQ cho rằng chính quyền của Tổng thống Assad phải thực hiện những bước đầu tiên trong việc chấm dứt bạo lực. Ngược lại, Ngoại trưởng Nga cho rằng không nên yêu cầu lực lượng chính phủ Syria rút khỏi các thành phố và thị trấn, khi những nhóm vũ trang chống đối không thực hiện việc ngừng tấn công.
THANH HẰNG (Tổng hợp)
- Thông tin liên quan:
>> EU bác bỏ can thiệp quân sự vào Syria
>> Syria để LHQ đánh giá hoạt động nhân đạo