Những ngày này, hàng triệu người Việt ở trong và ngoài nước đang cùng nhau hành hương về Quảng Trị để được thắp nén tâm nhang bày tỏ cảm xúc và lòng biết ơn trước hàng vạn vong linh liệt sĩ đã ngã xuống trong các chiến dịch tại mảnh đất đầy máu và hoa này.
Với ý nghĩa đó, những ngày cuối tháng Tám lịch sử, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tổ chức chuyến về nguồn cho gần 60 văn nghệ sĩ TPHCM. Đoàn đã đặt chân đến nhiều địa danh mà mỗi tên gọi đã đi vào lịch sử, tâm hồn từng người dân Việt: di tích thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, đường mòn Hồ Chí Minh, di tích sân bay Tà Cơn… Có mặt tại di tích thành cổ Quảng Trị - nơi chứng kiến 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa năm 1972”, đoàn đã lặng đi trước từng lời kể đầy cảm xúc của hướng dẫn viên. Hình ảnh cổ thành cùng với thị xã Quảng Trị, gần 40 năm về trước tơi bời dưới bom đạn hủy diệt của kẻ thù hiện ra. Hơn 300.000 tấn bom đã được thả xuống với sức công phá khủng khiếp. Người ta tính được rằng mỗi mét vuông thành cổ phải chịu hơn 400 quả bom và đạn pháo cày xới. Dưới hỏa lực đó không gì có thể tồn tại được, gang thép cũng phải tan chảy. Trong lá thư cuối cùng của một người lính và cũng là duy nhất chúng ta tìm được tại thành cổ, anh đã kể lại thời khắc cuối: bom nổ suốt ngày đêm, chúng con như phát điên, sức ép bom làm máu tràn ra từ tai, mũi, mắt. Máu tràn ra ở cả ba nơi thì chúng con sẽ chết. Đồng đội xung quanh chết cả rồi, máu cũng tràn ra ở mắt con rồi, mẹ ơi…! Vậy mà trong suốt 81 ngày đêm liên tục, mỗi ngày một đại đội được tiếp ứng, để rồi hôm sau lác đác chỉ còn lại vài người và một đại đội khác thay thế. Cứ như vậy, mỗi ngày cả trăm con người hòa máu xương mình vào đất thành cổ. 81 ngày đêm là 81 ngày hàng ngàn chiến sĩ là sinh viên - trí thức của đất nước, những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi tâm hồn trong như suối nguồn đã bỏ mình mà đắp xây nên tượng đài sừng sững về khát vọng độc lập, về phẩm giá con người trước vận mệnh của Tổ quốc… Những dòng thơ của nhà thơ Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm - Có tuổi hai mươi thành sóng nước- Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm... đã làm dòng xúc cảm ấy tiếp tục tuôn trào khi đoàn đến dâng hương, thả hoa đăng bên dòng sông Thạch Hãn - nơi đã ghi dấu ký ức đẫm máu hào hùng của 81 ngày đêm tranh đấu giữ vững thành cổ của các chiến sĩ kiên trung, bất khuất.
Tiếp tục hành trình, khi đứng dưới tượng đài nghĩa trang Đường 9, trước hàng hàng lớp lớp bia mộ đang nép mình trong gió, mỗi thành viên trong đoàn đều như có chung một cảm xúc tự hào, biết ơn bởi lớp lớp người đã anh dũng ngã xuống, thắm đỏ đất, nhuộm đỏ sắc cờ. Lời chia sẻ của diễn viên Mỹ Uyên - người nghệ sĩ ưu tú với tuổi đời còn rất trẻ, khi thắp nén tâm nhang trên mộ các liệt sĩ đọng lại trong lòng nhiều thành viên trẻ trong đoàn: “Sau những chuyến đi đầy ý nghĩa như thế này, có lẽ ta sẽ tìm được lời giải cho câu hỏi “Ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”…”.
HỒNG HIỆP