Tác phẩm VHNT đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng: Gian nan tìm khán giả

Với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt, vẻ vang, đề tài lịch sử - truyền thống cách mạng xem ra rất dồi dào, phong phú. Nhưng thực tế, không nhiều các tác phẩm nghệ thuật đề tài này được thực hiện và đến được với công chúng.
Tác phẩm VHNT đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng: Gian nan tìm khán giả

Với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt, vẻ vang, đề tài lịch sử - truyền thống cách mạng xem ra rất dồi dào, phong phú. Nhưng thực tế, không nhiều các tác phẩm nghệ thuật đề tài này được thực hiện và đến được với công chúng.

        Phiêu lưu và dễ “chết yểu”

Giờ đây, mảng phim đề tài lịch sử - truyền thống cách mạng không còn là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước nữa. Các hãng phim tư nhân cũng lao vào làm phim đề tài này, dù biết kinh phí đầu tư không ít, đầu ra rất phiêu lưu. “Chúng tôi thật sự yêu thích đề tài này và cũng muốn làm phim để dân ta phải biết sử ta”, bà Minh Tâm, Giám đốc Công ty Kỷ nguyên sáng, đơn vị sản xuất bộ phim Khát vọng Thăng Long cho biết. Nhưng mong muốn này của bà Minh Tâm xem ra khó lòng được tiếp tục, khi bộ phim Khát vọng Thăng Long có kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng, nhưng chỉ ra rạp chóng vánh vài ngày, sau đó lặng lẽ rút vào hậu trường, chờ sự hỗ trợ từ phía nhà nước, vì khi công ty bỏ tiền thực hiện bộ phim này, có nhận được lời hứa hẹn sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí từ Ban Chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Nhưng sau 4 năm kể từ khi phim ra rạp, đến nay nhà sản xuất vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào.

Cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long.

Cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long.

Đạo diễn Thanh Vân, đạo diễn bộ phim Huyền thoại 1C và mới đây là bộ phim điện ảnh Sống cùng lịch sử, bộ phim được nhà nước đặt hàng để chiếu trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mới đây, chia sẻ: “Làm phim ở Việt Nam đã khó khăn, nhưng với phim lịch sử - truyền thống cách mạng còn khó khăn gấp nhiều lần”. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn bộ phim Những người viết huyền thoại, Đường lên Điện Biên thẳng thắn: “Làm phim điện ảnh về đề tài này tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức nhưng lại rất khó để ra được rạp, trụ được lâu trong rạp”. Bộ phim Những người viết huyền thoại nếu không có sự hăng hái của chính đạo diễn, không nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà phát hành, không biết lúc nào bộ phim mới đến được với khán giả.

Phim nhà nước đặt hàng chỉ chiếu vào các dịp kỷ niệm, lễ rồi xếp kho, dù kinh phí cũng phải vài chục tỷ đồng. Phim do tư nhân làm thì không thể lấy lại vốn vì không nhận được sự ủng hộ của các nhà phát hành và việc đầu tư làm phim đề tài này trở thành một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm, dễ “chết yểu” với bất cứ nhà sản xuất phim nào. Các hãng phim nhà nước trông chờ lễ lạt, để có cơ hội làm phim đề tài này. Trong khi khán giả vẫn có nhu cầu về dòng phim này và thế hệ trẻ cũng cần hiểu biết, yêu mến lịch sử nước nhà thông qua những bộ phim như thế.

        Nỗi buồn sách văn chương cách mạng

Tại Hội sách TPHCM lần thứ 8 được tổ chức cuối tháng 3 và Ngày sách Việt Nam tổ chức vừa qua đều có sự kiện lớn gắn với dòng văn học chiến tranh cách mạng. Ở hội sách là cuộc giao lưu đầy ấn tượng nhân dịp ra mắt hai tác phẩm có chủ đề về Điện Biên Phủ và cuộc đấu tranh tình báo tại Sài Gòn trước 1975. Ở ngày sách là buổi trò chuyện giữa các nhân chứng lịch sử cùng bạn đọc trẻ, thanh niên TP xung quanh những chi tiết của cuốn sách Hồi ký căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trên địa bàn TPHCM (1945 - 1975)”. Các sự kiện này đều được đánh giá cao về tính thiết thực khi góp một phần để bạn đọc có dịp tiếp cận gần hơn nữa, hiểu biết sâu hơn nữa với lịch sử hào hùng của dân tộc.

Thế nhưng, những tác phẩm văn chương cách mạng được quảng bá, giới thiệu chuyên nghiệp như trên còn quá ít. Nhà văn Hoàng Đình Quang, tác giả cuốn tiểu thuyết Xuân Lộc, một trong những tác phẩm văn học đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm (2006 - 2011) lần thứ nhất cho biết, đầu năm đến nay, từ hội sách rồi ngày sách, chẳng thấy ai đoái hoài, để ý gì đến việc quảng bá, tuyên truyền tác phẩm này của ông cũng như của các bạn đồng nghiệp đoạt giải khác. Nhà văn Trầm Hương, một trong những tác giả có tác phẩm đoạt Giải thưởng VHNT TPHCM cũng tiếc nuối: “Một sự kiện lớn, đẹp như ngày sách mà những cuốn sách được trao giải, được ghi nhận của TP lại im hơi lặng tiếng, không nhận được sự quan tâm”. Nhạc sĩ Võ Đăng Tín, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM cho biết: “Nếu không quảng bá thì không những không phát huy giá trị tác phẩm mà còn ảnh hưởng xấu đến tình cảm, tâm huyết của anh em sáng tác”.

Trong 5 tác phẩm văn học đoạt Giải thưởng VHNT TPHCM thì có đến 4 tác phẩm thuộc mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Trước khi đoạt giải, có tác phẩm hầu như không được ai biết đến như tiểu thuyết Đất thở của tác giả Thạch Cương, thậm chí không thể tìm thấy trên thị trường sách. Sau giải thưởng, TP đã đầu tư để tái bản lại các tác phẩm này và dự kiến sẽ tổ chức mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền để đưa những tác phẩm có giá trị cao cả về nghệ thuật lẫn tư tưởng này đến với bạn đọc. Tuy nhiên, cho đến nay tất cả các tác phẩm văn học đoạt giải trên lại tiếp tục chìm vào quên lãng.

NHƯ HOA - TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục