Ngày 20-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là cần phải rõ ràng, tách bạch các loại chi phí hình thành lên giá điện. Buổi chiều, Quốc hội đã thông qua 5 luật, gồm: Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Công đoàn (sửa đổi).
Minh bạch các chi phí
Theo Đại biểu (ĐB) Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), ban soạn thảo cần nghiên cứu tách chức năng kinh doanh với hoạt động công ích, chống bao cấp giá để bù chéo các hoạt động kinh doanh. Những hoạt động liên quan đến chính sách xã hội, hỗ trợ nhà nước nên trực tiếp điều tiết, không tính quá nhiều chi phí vào giá điện. Chia sẻ ý kiến này, ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, ngành điện mỗi lần đề xuất tăng giá điện đều gặp phản ứng mạnh từ dư luận do thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, giá điện cũng đang bù chéo cho một số ngành sản xuất cũng như bán giá thấp để hỗ trợ các đối tượng nghèo, cận nghèo. Do vậy, ngành điện cần hạch toán đúng chi phí và có cơ chế để khách hàng dễ nhận biết, giám sát. Hiện đang có mâu thuẫn là muốn có thị trường điện cạnh tranh nhưng khi tính đúng, tính đủ lại gây nên các phản ứng xã hội. Do vậy, theo ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn), dự luật nên để ngân sách hỗ trực tiếp và tránh bù chéo cho các hộ kinh doanh khác để doanh nghiệp hạch toán đúng, đủ chi phí trong giá thành sản xuất.
Không đồng ý với một số đề xuất của ban soạn thảo về quy định quá nhiều loại giá, phí vào giá thành điện, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) đề nghị không nên quy định mức phí điều hành vì không biết người tiêu dùng sẽ phải đóng và nộp mức phí này cho cơ quan nào. Còn phí điều tiết điện lực cũng không cần thiết bởi Cục Điều tiết điện lực là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, do vậy không cần quy định mức phí trên bởi có thể tạo thành sự bất bình đẳng với các cơ quan quản lý nhà nước khác.
Cũng liên quan đến giá điện, theo ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), để giá điện minh bạch, công khai, phản ánh đúng thị trường thì giá than bán cho điện cần theo thị trường, không thực hiện việc hỗ trợ mang tính công ích vào giá điện và có cơ chế để nhân dân giám sát. Còn ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) góp ý, để giá điện theo thị trường là cần thiết để tính đủ các chi phí đầu vào. Tuy nhiên, do điện là loại hàng hóa đặc biệt và cả xã hội đều cần, nên việc hạch toán, xây dựng giá thành điện phải hết sức minh bạch và phải có báo cáo kiểm toán hàng năm.
Xử phạt vi phạm hành chính đến 2 tỷ đồng
Trong chiều qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đáng chú ý trong luật này là mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính sẽ từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương, mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đây là nội dung trước đó vốn có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau và giải trình về việc giữ quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc nâng mức xử phạt lên 1 tỷ đồng với cá nhân nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm và trên cơ sở tổng kết thực hiện Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức phạt cao này chỉ được áp dụng trong phạm vi rất hạn hẹp đối với một số lĩnh vực, như quản lý các vùng biển, đảo, thềm lục địa, quản lý hạt nhân, chất phóng xạ, tiền tệ, ngân hàng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường... Trong các lĩnh vực này cũng chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm rất nghiêm trọng sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất, ví dụ như hành vi của người nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta để thăm dò, khai thác tài nguyên trái phép, nhưng có sử dụng các loại máy ra đa, máy phát sóng siêu âm; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng mức phạt cao được áp dụng đối với người xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Giải trình về quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung trong lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương, theo UBTVQH, quy định này xuất phát từ đặc thù của nội đô các thành phố trực thuộc trung ương có mật độ dân số cao, là trung tâm kinh tế - xã hội, chính trị, hành chính của cả nước hoặc khu vực. Nếu hành vi vi phạm hành chính xảy ra tại khu vực này thì tính chất và mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn, hậu quả sẽ lớn hơn. Do đó, cần tạo cơ sở pháp lý cho Hội đồng nhân dân quy định mức phạt tiền cao hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù của địa bàn đô thị.
| |
Ngọc Quang