Tái bản bộ sách của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Trước sự yêu mến của độc giả, đặc biệt nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, NXB Trẻ vừa tái bản bộ sách của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần với một diện mạo mới, gồm 2 phiên bản bìa cứng và bìa cứng đóng hộp nhũ vàng bụng sách. 
Các tác phẩm của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần qua những lần in khác nhau
Các tác phẩm của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần qua những lần in khác nhau

Thu Giang Nguyễn Duy Cần tên thật là nguyễn Duy Cần (1907 - 1998). Ông làm nghề viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh Dịch, với các biệt hiệu: Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử… Sách của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần có thể nói là bộ sách quý để học làm người, đề cao tinh thần tự học, rèn luyện trí óc tư duy, tự nghiên cứu cùng những chỉ dẫn về viết lách; cao hơn nữa là kiến thức về triết học Đông phương như Kinh Dịch, Trang Tử, Lão Tử và Phật học; hay đặc biệt hơn là Tử vi bí kíp, Y thuật bí truyền nằm trong di cảo còn lại của ông. Không chỉ thế hệ người lớn tuổi mà rất nhiều người trẻ tuổi cũng say mê đọc sách của ông.

Theo bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc NXB Trẻ, với mong muốn giúp độc giả ngày nay có thể chọn lựa một loại sách học làm người có giá trị, vào tháng 11-2011, Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần được NXB Trẻ chính thức phục hồi. Ban đầu, 2 tựa sách được xuất bản là Tôi tự học và Óc sáng suốt; từ đó đến nay đã cho ra mắt 23 tựa, trong đó có nhiều tựa tái bản nhiều lần. “Tổng số sách của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã phát hành là 350.000 bản. Số lượng này cho thấy có nhiều bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ yêu mến sách ông”, bà Thu Hà cho biết. 

Trong lần tái ngộ này, Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần (với 23 tựa sách đã xuất bản) được chia thành 4 bộ sách theo các chủ đề: “Tự học”, “Xử thế và tự rèn luyện bản thân”; “Đạo học” và “Dịch Kinh”. Là độc giả sách của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần lâu nay, nhà văn Lê Văn Nghĩa nhận định: “Cụ Nguyễn Duy Cần xuất thân từ Hán học và trở thành nhà Hán học. Thời kỳ đó có rất nhiều tên tuổi đứng ngang vai phải lứa với nhau, và họ vẫn đứng được đến bây giờ, sách của họ vẫn còn giá trị như Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, Lê Ngọc Trụ…

Với Thu Giang Nguyễn Duy Cần, cụ viết thâm sâu, chứ không phải viết cho một thời kỳ ngắn ngủi nào đó khiến độc giả đọc xong quên ngay, đọc lại thấy không còn phù hợp nữa. Sách của cụ, đặc biệt là với những người lớn tuổi, càng đọc càng thấm. Đó là lý do mà sách của cụ Cần được yêu mến trước đây và đến tận bây giờ”.

Tin cùng chuyên mục