Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước TPHCM: Khó thực hiện đúng lộ trình

TPHCM, được xem là đơn vị tiên phong trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Chính phủ, nhưng đến nay, sau 2 năm triển khai, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đều không đạt tiến độ.

TPHCM, được xem là đơn vị tiên phong trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Chính phủ, nhưng đến nay, sau 2 năm triển khai, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đều không đạt tiến độ.

Nhiều rào cản

Cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 929/QĐ-TTg, ngày 17-7-2012 về phê duyệt đề án “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”. Ngay sau đó, UBND TPHCM đã nhanh chóng ban hành Quyết định 569 về kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2012 - 2015.

Theo đó, đến năm 2015, TPHCM sẽ cổ phần hóa 29 doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra trong năm 2013-2014, mỗi năm phải cổ phần hóa 9 doanh nghiệp và sang năm 2015 cổ phần hóa 11 doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, năm 2013, TP chưa có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa theo kế hoạch.

Riêng quý 2-2014 mới cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp và dự kiến trong tháng 7 này sẽ thêm một doanh nghiệp nữa được cổ phần hóa. Cái khó trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, qua kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ để xử lý, lành mạnh tài chính phát sinh nhiều tồn tại về tài sản, cần thời gian xử lý trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Như vậy, để thực hiện theo đúng tiến độ cổ phần hóa những doanh nghiệp còn lại vào năm 2015 đang là thách thức rất lớn đối với TPHCM. Mới đây UBND TPHCM đã cấp tốc chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tổ chức ký cam kết hoàn thành kế hoạch tiến độ cổ phần hóa năm 2014 và 2015 đối với 29 doanh nghiệp.
 
Về công việc tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại 25 doanh nghiệp, UBND TP đã phân công Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp cùng với các sở ngành phối hợp với Tòa án TP chỉ đạo các ban thanh lý giải thể tập trung xử lý công tác tồn đọng. Bởi đến giữa tháng 6-2014, mới có 6/25 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục kết thúc sắp xếp, tổ chức lại.

Nguyên nhân kéo dài tiến độ tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp là do tài sản, công nợ liên quan đến phán quyết của tòa án không thi hành được, vướng định giá doanh nghiệp, khó tìm được đối tác để bán cổ phần, đặc biệt là các công ty cổ phần chưa niêm yết.

“Mặt khác, quá trình thực hiện kéo dài dẫn đến nhân sự phụ trách thay đổi, việc chuyển giao hồ sơ không đầy đủ, phải truy lục, khởi động lại hoặc nhân sự được phân công kế thừa e ngại, thiếu tích cực trong tổ chức thực hiện…”, một cán bộ Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM giải thích.
 
Cắt giảm thủ tục

Theo Phó Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM Huỳnh Trung Lâm, lý do dẫn đến sự chậm trễ trên là do các đề án tái cơ cấu được duyệt từ quý 4-2013 về sau nên các doanh nghiệp cần có thời gian tìm đối tác chuyển nhượng. Ngoài ra, thủ tục chuyển nhượng đối với các công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên sàn Upcom còn phức tạp, phải thực hiện theo quy trình, phương thức đã quy định của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, qua tìm hiểu, hầu hết doanh nghiệp nằm trong doanh sách phải tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đều cho biết, việc thoái vốn trong thời điểm hiện nay gặp khó khăn, thậm chí lỗ vốn nên chần chừ đợi thời cơ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc thực hiện lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Mặt khác, việc tái cấu trúc phải thực hiện qua nhiều “cửa” bộ ngành cũng là nguyên nhân gây trở ngại cho các doanh nghiệp. Đơn cử, đối với các doanh nghiệp do UBND TP cho chủ trương đầu tư trước đây, nay muốn thực hiện thoái vốn phải có báo cáo xin phép. Hoặc với doanh nghiệp đang đầu tư lỗ nhưng muốn thoái vốn phải xin ý kiến Bộ Tài chính…

“Bất cập hiện nay là thời gian thực hiện sắp xếp, đổi mới cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước rất gấp gáp, nhưng phải trải qua nhiều thủ tục xin phép ở các cơ quan hành chính. Điều này khiến áp lực đè nặng lên doanh nghiệp, nguy cơ đánh mất cơ hội vì các đối tác không thể chờ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM nhận xét.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục